Tăng giá có làm người dân giảm uống bia?

Thứ Tư, 01/10/2014, 12:20
Sau nhiều tranh cãi về những chính sách liên quan đến bia, ngày 30/9, trong khuôn khổ buổi công bố nghiên cứu “Vị trí, vai trò của ngành bia trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam” của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), một tranh cãi khác lại nổ ra về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mỗi năm 5% trong vòng 3 năm, để đạt mức 65% vào 2017.

Mục tiêu của chính sách là tăng thu ngân sách và hạn chế tiêu dùng bia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tăng thuế 5% thực chất sẽ làm giảm thu 6% do các “tác dụng phụ” và mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân cũng chưa chắc đã thực hiện được.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp công bố sáng 30/9, bia chiếm tới 2,3% giá trị tăng thêm của cả ngành công nghiệp, với sản lượng gần 3,2 triệu lít năm 2013, giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động.

Ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng nhận định, ngành bia trong nước đã có những đóng góp đáng kể khi đẩy lùi được bia nhập lậu, bia Vạn Lực Trung Quốc vốn hoành hành trong những năm 88-89 của thế kỷ trước, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khá lớn với khoảng 20.800 tỷ đồng trong năm 2013. “Hiện thuế thu từ bia chiếm khoảng 28-31% trong tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt” – ông Thi cho biết.

Cũng theo ông Thi, lộ trình tăng thuế với bia sẽ là tăng thêm 5% (lên 55%) từ ngày 1/7/2015 và 2 năm tiếp theo mỗi năm tăng thêm 5% cho đạt mức 65%. “Thuế tăng thì giá tăng, cầu giảm, nhưng tôi cho rằng, về lâu dài, ngành bia vẫn sẽ tăng trưởng, chứ không bị ảnh hưởng lớn”.

Tuy nhiên, ông Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Chủ nhiệm của nghiên cứu về vị trí, vai trò của ngành bia lại cho rằng, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5%, thu ngân sách sẽ giảm 6%. Nguyên nhân được chỉ ra do thuế tăng, tiêu thụ giảm dẫn đến sản xuất giảm, dẫn đến thu VAT giảm, thuế thu nhập DN giảm, thuế thu từ các ngành dịch vụ đi kèm như nhà hàng khách sạn giảm, chưa kể đến ảnh hưởng đến lao động, việc làm. Như vậy, ông Giám cho rằng, chính sách này không có hiệu quả về kinh tế. Mặt khác, việc giá bia trong nước tăng sẽ làm gia tăng bia nhập lậu, lại tốn thêm ngân sách cho việc chống lậu…

Về khía cạnh tăng giá sẽ làm giảm tiêu thụ rượu bia, theo ông Dương Đình Giám, giá tăng sẽ làm gia tăng tiêu thụ các loại bia cỏ, kém chất lượng hay rượu nấu, còn gây tác hại lớn hơn. Do đó, ông Giám cho rằng phải tính toán rất kỹ để vừa hài hòa chính sách mà vẫn đảm bảo chống được đồ uống có cồn.

Bày tỏ quan điểm gay gắt hơn về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bia Sài Gòn, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, một chuyên gia về kinh tế khẳng định: Là hoang đường nếu đặt mục tiêu tăng thu ngân sách và hạn chế tiêu dùng trong một chính sách.  Ông Phan Đăng Tuất khẳng định, tăng thuế 5% sẽ làm giảm thu 6%, nên thực chất tăng thuế là “lỗ”, vì thu ngân sách với ngành bia rượu không chỉ mỗi thuế tiêu thụ đặc biệt, mà có tất cả thảy 8 dòng thuế khác nhau, như VAT, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tăng thuế sẽ tăng nhập lậu; giá đắt thì người ta dùng hàng phẩm cấp thấp, mà chất lượng càng thấp thì càng độc, mục tiêu giữ sức khoẻ sẽ không đạt được.

Cùng với đó, việc tăng thuế này lại cũng chủ yếu đánh vào bia nội, ở phân khúc bia trung bình, còn các hãng bia ngoại thì không ảnh hưởng vì giá cao, có biên độ lợi nhuận lớn. Điều này dấy lên quan ngại “một ngày đẹp trời, thị trường trong nước sẽ chỉ còn bia ngoại”

V. Hân
.
.
.