Tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng Công an và đội ngũ luật sư trong thực hiện quyền bào chữa

Thứ Sáu, 23/08/2019, 16:59
Sáng 23-8, Bộ Công an đã tổ chức buổi làm việc với Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam để trao đổi một số nội dung liên quan đến thực hiện quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, đồng thời để tham gia ý kiến về dự thảo Thông tư của Công an quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. 

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc, về phía Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm các ủy ban của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; về phía Bộ Công an có đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thứ trưởng Lê Quý Vương chủ trì buổi làm việc

Trong thời gian qua, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện quyền bào chữa trong hoạt động tố tụng nói chung và trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự nói riêng, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về quyền, nghĩa vụ của luật sư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội khi tham gia tố tụng; việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa (hiện nay là đăng ký bào chữa) luôn thực hiện kịp thời theo quy định pháp luật… 

Để đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để luật sư thực hiện các quyền của mình theo quy định, ngày 10-10-2011 Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (Thông tư số 70). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đã gặp một số khó khăn vướng mắc. 

Đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70 và nêu các khó khăn, vướng mắc khi tham gia thực hiện quyền bào chữa. Theo Liên đoàn, từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) có hiệu lực, tình hình luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự đã có những chuyển biến tích cực. 

Số lượng luật sư tham gia bào chữa tại giai đoạn điều tra vụ án nhiều hơn; cơ quan điều tra các cấp trong hệ thống Bộ Công an đến Công an cấp tỉnh, cấp huyện đã tạo điều kiện nhiều hơn cho luật sư được tham gia bào chữa tại giai đoạn điều tra, thể hiện bằng việc cấp thông báo về việc bào chữa nhanh chóng hơn; báo trước thời gian, địa điểm hỏi cung bị can và thông báo về kết thúc điều tra, gửi cho người bào chữa bản kết luận điều tra vụ án hình sự. 

Tuy nhiên, trong quan hệ với cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ bào chữa giai đoạn điều tra, các luật sư đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi tham gia bào chữa như thủ tục cấp thông báo về việc bào chữa; việc tham gia tố tụng kể từ khi một số người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố và người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp khi cơ quan điều tra lấy lời khai; thời gian cấp thông báo về việc bào chữa cho luật sư tham gia bào chữa cho bị can; những quy định liên quan đến người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội… 

Đại diện các cơ quan, đơn vị trong CAND đã phát biểu ý kiến về những phản ánh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an đã chủ động xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung thay thế Thông tư số 70. Nguyên tắc xây dựng thông tư là trên cơ sở Thông tư số 70 phát triển bổ sung và làm rõ một số nội dung như: Hình thức tiếp nhận yêu cầu bào chữa, trợ giúp pháp lý (trực tiếp và qua bưu điện); thời gian cấp thông báo về việc bào chữa cho luật sư tham gia bào chữa cho các bị can; thời gian gặp và làm việc của luật sư; mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và cơ quan tạm giữ, tạm giam trong việc cấp và tiếp nhận thông báo yêu cầu bào chữa; công tác giám sát như thế nào khi luật sư gặp gỡ bị can; sửa lại các biểu mẫu liên quan đến hoạt động luật sư… 

 Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, về nhận thức, lực lượng CAND luôn xác định rõ việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, coi trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đặc biệt, công dân liên quan đến vi phạm pháp luật có quyền trợ giúp pháp lý, mời luật sư, thuê luật sư. Trong công tác điều tra, một trong những vấn đề quan trọng là nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong luật; coi trọng chứng cứ. Đồng thời, nhận thức rõ vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng hiện nay... 

 Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đề nghị liên đoàn luật sư có hướng chỉ đạo việc công khai địa chỉ của đoàn luật sư, của luật sư trong toàn quốc để cơ quan điều tra phân cấp có thể thuận lợi liên lạc. Trước ý kiến kết luận của Thứ trưởng Lê Qúy Vương, đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ bàn với nhau để thực hiện tốt trách nhiệm của luật sư trong công tác phối hợp với lực lượng Công an. 


Nguyễn Hương
.
.
.