Tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP
- Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt Hiệp định CPTPP
- Hiệp định CPTPP sẽ đem lại lợi ích cho mọi thành viên tham gia
Ngày 2-11, các đại biểu thảo luận tại tổ những nội dung về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.
Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn; thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, CPTPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, tác động của CPTPP đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện đầu tiên chính là không gian thị trường được mở rộng. Các quốc gia khi tham gia vào Hiệp định này được hưởng mức độ ưu đãi rất cao khi mọi rào cản thuế quan được dỡ bỏ; phần lớn, thuế xuất nhập khẩu vào thị trường trong nước đều bằng 0. Các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên của CPTPP, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động đang có lợi thế như dệt may, giày dép, túi xách, nông sản, thuỷ sản....
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội nhiều hơn trong việc đa dạng hóa thị trường và đối tác. Các doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn cho việc phát triển, điều này thể hiện rõ trong việc thu hút đầu tư cũng như thuận lợi trong việc nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao, có điều kiện tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) phân tích: Tham gia CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế khi chủ nghĩa bảo hộ đang có xu thế phát triển. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế, đặc biệt trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua sân chơi quốc tế như vậy, Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; lựa chọn những sản phẩm chủ chốt, thế mạnh của mình để tham gia thị trường chung.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề cập đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Khi Việt Nam tham gia CPTPP, thuế sẽ giảm, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, công nghệ, thiết bị tiên tiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Chuẩn bị kỹ đối phó với các thách thức
Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn, bởi việc tham gia Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Đây sẽ chính là những thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin...
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – lưu ý: Cần phải rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan đến Hiệp định CPTPP để đảm bảo các điều khoản phù hợp với hiệp định này khi được thông qua. “Nếu thấy cần sửa thì phải sửa ngay vì thời gian phê chuẩn CPTPP không còn lâu nữa”, đại biểu Thanh nói đồng thời cảnh báo kênh phân phối bán lẻ của các tập đoàn trên thế giới đang lấn át trên thị trường Việt Nam khiến hàng Việt Nam cạnh tranh trong nước cũng khó, và xuất khẩu ra ngoài nước cũng khó.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn chứng: Nước ta là nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong nhóm 11 nước tham gia CPTPP. Cụ thể, mức bình quân GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.306 USD, trong khi đó nước cao nhất là Australia là 56.135 USD. Các nước ở nhóm dưới gần Việt Nam, như: Chi Lê, Malaysia, Mexicô, Peru; thấp nhất là Peru cũng là 6.598 USD, gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam. Đây cũng là thách thức, cần có phân tích rõ hơn sau khi Việt Nam tiến hành phê chuẩn Hiệp định. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) kiến nghị Chính phủ bổ sung tài liệu các bản ghi nhớ, thư, thư trao đổi giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, bởi đây là những văn kiện liên quan được đề nghị xem xét, phê chuẩn cùng với Hiệp định CPTPP.
Phân tích những thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá cả thích hợp.
"Điểm nhấn không phải hàng giá rẻ mà khi nhắm tới thị trường này là thị trường có tiêu chuẩn cao, thu nhập cao, phù hợp với người có thu nhập cao. Cho nên Luật An toàn thực phẩm cần phải được triển khai ngay. Đó là những vấn đề phải nghĩ đến khi tái cơ cấu nền kinh tế. Cải tiến và nâng cao năng suất lao động thì về yếu tố về năng suất, giống mới, con giống mới với năng suất cao và an toàn phải đặt lên hàng đầu, như vậy chúng ta mới có cơ hội đi vào thị trường này. Đấy là điểm mà chúng ta phải thấy rõ khi tham gia CPTPP" - đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Cùng ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, khi áp dụng, ký kết Hiệp định CPTPP, nếu doanh nghiệp không chú trọng đến sản xuất để cạnh tranh sẽ có nguy cơ mất trắng thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu trên thị trường còn tồn tại chưa kiểm soát được, cũng tạo ra sự cạnh tranh. Bài toán đặt ra khó khăn cho Chính phủ trong việc cân đối ngân sách và các doanh nghiệp cần có sự đầu tư sản xuất thích hợp, nếu không sẽ bị thua thiệt.