Tấm gương dùng người của Bác Hồ

Thứ Bảy, 16/05/2015, 07:30
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, là niềm tin yêu và kính trọng trong mỗi trái tim Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người trùng khớp với dịp tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và toàn Đảng toàn dân đang khẩn trương tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, thì những bài học quý báu từ việc đánh giá và sử dụng cán bộ của Bác càng thêm nhiều ý nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn, khâu quyết định là cán bộ”; “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, Người khẳng định. Sinh thời, Người luôn coi trọng công tác tổ chức, chú trọng công tác phát hiện, sử dụng, đối xử với cán bộ, nhất là những bậc hiền tài. Từ chỗ luôn đề cao việc phát hiện, sử dụng con người đúng đắn của Bác đã tạo cho Đảng và đất nước nguồn cán bộ dồi dào, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của cách mạng.

Trong cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn giữ  nguyên tắc muốn người sao mình phải vậy, nghĩa là phải gương mẫu, chân thành và Người luôn là tấm gương mẫu mực vì nước, vì dân, có lòng vị tha, thương yêu đồng chí, anh em. Muốn vận động toàn dân tiết kiệm, Người tự giác nhịn một bữa mỗi tuần và tự tay bỏ số gạo tiết kiệm được vào hũ gạo cứu đói. Muốn kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người gương mẫu tập thể dục đều đặn mỗi sáng. Muốn cán bộ sát thực tế, Người đi bộ nhiều ngày ra tận chiến trường. Suốt đời Bác luôn có những đồng chí, học trò tận tụy, trung thành, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng, mang hết sức mình cống hiến là bởi Người là tấm gương sáng về những điều cao đẹp khiến mọi người đều nể, phục, noi theo.

Đối với Người, muốn có cán bộ trung thành phải tin cậy, tôn trọng họ. Được tin tưởng và tôn trọng như vậy, không một người tài nào không hết lòng. Trí thức Việt Nam đều có điểm chung là không coi trọng danh lợi, rất giữ gìn, đề cao nhân cách, hết lòng vì nghĩa lớn. Khi được hiểu và tôn trọng, họ sẵn sàng cống hiến hết sức mình vì mục đích cao cả. Lê Lợi vừa kháng chiến chống quân Minh thành công, đã ban chiếu răn dạy thái tử; Quang Trung khi lên ngôi việc đầu tiên là ban chiếu cầu hiền; Tế tửu Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Thân Nhân Trung cho khắc vào bia đá Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”; Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi sang Pháp trở về, không ít trí thức tình nguyện về theo và những người này suốt đời dấn thân làm cách mạng, tỏ rõ nhân cách những trí thức lớn, giữ nhiều trọng trách quốc gia chính là theo truyền thống ấy.

Người luôn coi trọng cả Đức và Tài trong mỗi con người. Nhưng Người xem đức là gốc, tài là ngọn. Đức cao nhất là yêu nước, thương dân, suốt đời hi sinh vì cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người cũng luôn có quan điểm duy vật biện chứng về quan hệ giữa đức và tài. Đức không phải là cái có sẵn, bất biến. “ Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Muốn có đức phải “vun trồng”, rèn luyện. Đức được chăm sóc, rèn luyện, phấn đấu không ngừng sẽ phát triển, có ích cho xã hội. Có tài mà không có đức, hậu quả sẽ khôn lường.

Trong đánh giá cán bộ, Bác Hồ luôn lấy thái độ của nhân dân về cán bộ ấy làm tiêu chuẩn. Người viết: “Khi cân nhắc cán bộ phải xem xét người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy, mến phục không”, tránh những người nói nhiều làm ít, độc tài, độc đoán, không hòa mình vào quần chúng. Trong xã hội ngày nay, những nơi có cán bộ thoái hóa, biến chất, chuyên quyền độc đoán đều có nguyên nhân sâu xa là coi nhẹ ý kiến của nhân dân, không lấy  đánh giá của nhân dân làm chuẩn.

Trong dùng cán bộ, Người ứng biến, linh hoạt, “dụng nhân như dụng mộc”. Dùng người như dùng gỗ. Gỗ đáng dùng chỗ nào, vào việc gì dùng đúng chỗ ấy. “Nếu có người tài mà dùng không đúng tài, cũng không được việc”, phải cân nhắc cẩn thận, khéo dùng người, bố trí đúng người vì lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất. Trong đối xử với cán bộ, phải nghiêm minh, lấy sự công bằng, chí công vô tư làm nguyên tắc. Pháp luật không vị nể ai. Muốn cán bộ không làm càn, tự mình phải gương mẫu chấp hành pháp luật và dựa vào pháp luật mà ứng xử. Việc kiên quyết không giảm án cho Trần Dụ Châu, việc Bác đứng ra xin lỗi quốc dân đồng bào trên hội trường Quốc hội về sai lầm trong cải cách ruộng đất là những ví dụ điển hình.

Và cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất là tình thương yêu chân thành của Bác với đồng chí, đồng đội và toàn thể đồng bào ta. Chính tình thương bao la, niềm tin tưởng và yêu mến chân thành của Người đã giúp cho công tác cán bộ luôn giành thắng lợi, giúp cho Đảng ta, nhân dân ta đoàn kết thành một khối, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã thảo luận rất kỹ các tiêu chuẩn cán bộ và trong diễn văn bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:“ kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm”. Tư tưởng đó của Đảng là sự phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong hoàn cảnh mới. Ở đó, Tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát hiện, dùng người, cư xử với con người vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, là cẩm nang bất biến trên con đường của Đảng, của đất nước  hướng tới tương lai .

Phó Giáo sư, Ts. Vũ Duy Thông
.
.
.