TP Hồ Chí Minh phải là đầu tàu của cả nước: Cần một cơ chế đặc thù đột phá

Thứ Ba, 14/11/2017, 16:48
Ngày 14-11, góp ý tại tổ về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP HCM, nhiều đại biểu nhận định, TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước cho nên việc trao cơ chế đặc thù không chỉ có ý nghĩa cho riêng thành phố mà còn đối với cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Cần Thơ) nhấn mạnh, hiện TP.HCM thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về Trung ương cũng lớn nhất. Theo dõi quá trình phát triển chung của TP, Chủ tịch Quốc hội cho rằng TP HCM điều tiết dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh. 

“Đã đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực mà đi chậm thì cả toa sau đi chậm theo. Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy, chúng ta mới thoát ra được”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và lưu ý những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của thành phố động lực này đang chậm lại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hiện TP HCM thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về Trung ương cũng lớn nhất. Theo dõi quá trình phát triển chung của TP, Chủ tịch Quốc hội cho rằng TP HCM điều tiết dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình việc ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước... cũng như cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.

Cùng quan điểm trên, Đại biểu (ĐB)  Nguyễn Hồng Thanh (Quảng Ninh) cho rằng nhằm thể hiện sự đóng góp của Thành phố với cả nước và sự quan tâm của cả nước đối với Thành phố, cần thiết phải ban hành một cơ chế đặc thù đột phá để khai thác các tiềm năng, lợi thế của Thành phố, đó là lý do rất quan trọng. Khó khăn lớn nhất là nguồn lực để cho phát triển, chúng ta đang thiếu và giải pháp đặt ra là phải đưa ra các cơ chế, chính sách đột phá để tạo động lực cho sự phát triển của TP HCM. 

Đề xuất một số lĩnh vực, cán bộ có thể làm việc ở nhà

Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), đi kèm với đó nên cho TP HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay. Thậm chí, đại biểu này còn đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan.

Theo ĐB, nhiều lĩnh vực cán bộ công viên chức có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước… 

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn. Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt. 

Liên quan đến tăng thu cho cán bộ, theo ĐB Hoàng Văn Cường, TP. HCM có thể tăng thêm mức thu nhập, nhưng đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Cũng theo ĐB Cường, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên.

ĐB Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM, cho rằng đề xuất phân cấp cho hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên rất chính đáng. Hiện TP HCM có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, trên 55% với khoảng 100.000 ha. Tuy nhiên, diện tích này sử dụng chưa hợp lý, để lãng phí, thậm chí bị quy hoạch treo, gây ô nhiễm môi trường. Nếu chuyển được nhanh sang xây cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, khu công nghiệp thì rất thích hợp.

"Trước đây, những dự án nhóm A là Thủ tướng quyết định đầu tư, giờ thành phố xin những dự án nhóm A mà thuộc ngân sách nhà nước thì hội đồng nhân dân quyết định. Điều đó làm cho trình tự, thủ tục hành chính nhanh gọn, những quyết định liên quan đến giao thông, ô nhiễm môi trường sẽ sớm được triển khai", ĐB Ngân nói.

Phương Thuỷ
.
.
.