Sức nặng của lời khuyên

Thứ Tư, 25/03/2015, 09:58
Ai đó đã bình luận rất “đắt” rằng, ảnh hưởng của ông Lý Quang Diệu - cựu Thủ tướng Singapore đã làm thay đổi hành vi văn hóa của con người, không chỉ ở phạm vi quốc đảo sư tử; sinh thời, nhà lãnh đạo có công lớn kiến tạo nên một đất nước Singapore phát triển nhanh và bền vững đã có lời khuyên với Việt Nam, để rồi nhìn lại đúng vào thời khắc ra đi của ông, khiến chúng ta càng thêm suy ngẫm!

Trong những góp ý về giáo dục hiện nay của nước ta, ông Lý Quang Diệu thẳng thắn: Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong cuộc đua phát triển kinh tế; và để tránh tụt hậu, phải giỏi tiếng Anh.

Kèm theo lời khuyên, người nghe bị thuyết phục bởi một nền giáo dục hiện đại sánh với các nước tiên tiến trên thế giới đã hiện hữu ở Singapore, và cả sự thành công của việc kiên trì chính sách “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc đem lại ưu thế cạnh tranh cho đất nước này.                 

Nước ta đang cố gắng tránh tụt hậu, trước mắt là so với một số nước trong khu vực, nhưng cách dạy và học tiếng Anh thì không bắt kịp với yêu cầu đó.

Bằng chứng là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi được nửa chặng đường tốn kém gần chục ngàn tỷ đồng, nay phải “xây dựng lại cho phù hợp với thực tiễn hơn” như thừa nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, người gắn bó cả đời với việc dạy ngoại ngữ đã không ít lần góp ý cần phải thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ, nay rầu lòng thừa nhận: Học sinh phổ thông 10 năm học không nói được tiếng Anh; nhiều thầy, cô giáo dạy tiếng Anh mà không giao tiếp được...

Không có lời khuyên cụ thể cho việc xây dựng thành phố “xanh” của Việt Nam. Nhưng tầm nhìn của Singapore gắn với tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu xây dựng đất nước thành một “khu vườn chung của mọi người” đã khiến thế giới khâm phục, mỗi chúng ta đều mơ ước.

Để có một đất nước “xanh-sạch-đẹp” như bức tranh đó, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Tổng cục Công viên quốc gia Singapore đã đề ra và nhất quán thực hiện chiến lược xây dựng thành phố vườn theo từng giai đoạn.

Nếu như chiến lược thành phố vườn thập niên 60 (Singapore xanh và sạch) với việc trồng cây ven đường; tạo nên những công viên và không gian mở, thì đến thập niên 70 chiến lược của thành phố tiếp tục trồng cây ven đường và thêm cây có màu sắc, cộng với các dự án trồng cây, dây leo trên cầu vượt, bãi đậu xe...

Và đến thập niên 90, họ xây dựng những công viên, vườn hoa cây xanh với chức năng riêng biệt...

Tất cả chuỗi hoạt động đó, qua các thế hệ lãnh đạo và người thừa hành, đều lũy tiến trong chiến lược xây dựng “thành phố vườn” được điều chỉnh bằng Luật Công viên cây xanh ban hành từ thập niên 70, mà không hề có dấu hiệu “tư duy nhiệm kỳ” gây đứt đoạn, lãng phí.

Có một sự tương đồng nhiều người đã biết, giữa Singapore và Hà Nội (trước khi mở rộng) có diện tích tự nhiên tương tự, dân số chênh lệch không lớn.

Đấy là chưa kể Singapore rất thiếu tài nguyên và nước sạch. Chi tiết đó gợi cho mỗi chúng ta thêm mong ước có một Hà Nội (đã đủ lớn sau khi mở rộng) xanh-sạch-đẹp. Chúng ta dễ thống nhất cần phải chung tay xây dựng mới đạt được mơ ước có một Thủ đô như thế.

Nhưng thực tế đặt ra một câu hỏi, nếu cứ xây dựng theo kiểu lột nhựa đường đen lên, trải thảm nhựa đỏ xuống; vừa chôn cáp điện xuống lại đào đường cấp nước lên; vừa xây cầu vượt cho người đi bộ, lại phải di dời vì vấp quy hoạch... thì bao giờ hạ tầng đô thị Thủ đô mới hoàn thiện?

Điệp khúc ấy khiến người dân bức xúc, vì họ không có lỗi. Vậy đâu là căn nguyên, nếu không phải thuộc về tầm nhìn và cách tổ chức thực hiện của nhà quản lý, như đề án thay thế 6.700 cây xanh gần đây của Hà Nội là ví dụ, mà đại diện UBND thành phố đã thừa nhận!

Không có kinh nghiệm chung cho mọi người, cho mọi mô hình xây dựng, nhưng bài học thành công kỳ vĩ ở đất nước Singapore đã trở thành tri thức của nhân loại thì tự nhiên có sức lan tỏa, rất cần kế thừa.

Tạo nên thành công đó, ông Lý Quang Diệu đã làm một số điều cứng rắn gắt gao nhằm khiến mọi việc đâu ra đó, ở đó là biết bao cơ đồ dứt khoát phải thành công, như chính ông thừa nhận.

Còn ở đây, người dân không bức xúc với những chủ trương giải pháp quyết liệt của Hà Nội, vì một thành phố “xanh-sạch-đẹp”, hay chi phí tốn kém bao nhiêu cho dạy và học tiếng Anh của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng mọi việc phải đâu ra đó, điều mà người dân mong đợi và có quyền đòi hỏi. Sức nặng của việc thực hiện lời khuyên nằm ở chỗ đó.

H.K.
.
.
.