Sự việc tại Tu viện Bát Nhã là công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo

Thứ Ba, 12/01/2010, 08:03
Đại diện của UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, đây là công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo và những gì xảy ra là xuất phát từ mâu thuẫn giữa pháp môn Làng Mai với tăng hữu của Tu viện Bát Nhã. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đứng đầu pháp môn Làng Mai cũng có trách nhiệm không nhỏ về vụ việc này.
>> Thêm những thông tin về sự việc ở Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc - Lâm Đồng)

Trước những thông tin trái chiều về sự việc tại Tu viện Bát Nhã có liên quan đến những người tu theo pháp môn Làng Mai, chiều 11/1, UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức họp báo thông báo chính thức về vụ việc và giải đáp những câu hỏi của phóng viên báo chí.

Từ sự xuất hiện của pháp môn Làng Mai

Theo thông tin do ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, sau khi sang Pháp du học, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một pháp môn mới là pháp môn thiền theo lối hiện đại rồi phát triển pháp môn này ở Pháp và một số nước trên thế giới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Việt Nam 3 lần vào năm 2005, 2007 và 2008. Cho đến nay, hơn 400 người Việt Nam theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong đó tập trung nhiều ở Lâm Đồng.

Dưới sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi - Viện chủ Tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), những người Việt Nam theo pháp môn Làng Mai đã tu tập tại tu viện này. Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có văn thư đề ngày 4/5/2006 gửi lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc này.

Cùng năm đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn thư số 212 ngày 25/5/2006 chính thức chấp thuận việc Thượng tọa Thích Đức Nghi bảo lãnh những người này. Văn thư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ là tu theo những khóa tu ngắn ngày và mỗi lần tu phải xin phép theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ (phải) và ông Nguyễn Ngọc Đông (trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại buổi họp báo chiều 11/1 (Ảnh: Trường Sơn).

Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu không xảy ra mâu thuẫn giữa những người tu theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng ni của Tu viện Bát Nhã. Đầu tiên là do pháp môn tu khác nhau giữa hai cách tu của Bát Nhã và Làng Mai, một bên tu theo lối truyền thống và một bên tu theo lối cộng tu. Tiếp đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai không tuân theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà cụ thể là Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những người tu dưới 18 tuổi phải có người bảo lãnh và được sự chấp thuận của gia đình. Nhưng những người tu theo pháp môn Làng Mai đa số dưới 18 tuổi và chưa đảm bảo đủ những yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thứ ba là việc Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng việc bổ nhiệm một vị vào vị trí Phó chủ viện Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng mà không có ý kiến của Viện chủ tu viện Bát Nhã và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cuối cùng là sự tranh chấp về tài chính, tài sản giữa hai bên.

Đây là 4 nguyên nhân chính từ nội bộ tôn giáo dẫn đến mâu thuẫn giữa Làng Mai và những người ở Tu viện Bát Nhã.

Liên quan đến vấn đề pháp luật, Nhà nước Việt Nam đã có pháp lệnh tôn giáo và nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai có những vi phạm như việc không khai báo tạm vắng, tạm trú, không kê khai sinh hoạt tôn giáo đối với chính quyền sở tại.

Đến những xô xát trong nội bộ

Ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại Tu viện Bát Nhã. Sau đó, thể theo nguyện vọng của Thượng tọa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn thư số 037/HĐTSTW đề nghị những người tu theo pháp môn Làng Mai thôi không tập trung tu tập tại Tu viện Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để tu học. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đồng ý với hướng giải quyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và có Công văn số 1329/TGCP-PG. Như vậy, xét theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật, những người tu theo pháp môn Làng Mai không đủ tư cách để tu tập tại Tu viện Bát Nhã.

Tuy nhiên, những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã không thực hiện đúng yêu cầu trên. Vì vậy, ngày 27/6/2009, cuộc xô xát đầu tiên đã xảy ra giữa một số tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã với số người tu theo pháp môn Làng Mai. Nhiều lần Thượng tọa Thích Đức Nghi yêu cầu số người tu theo pháp môn Làng Mai rời khỏi Bát Nhã nhưng họ vẫn tiếp tục ở lại, gây trở ngại cho sinh hoạt tôn giáo của tu viện. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các vị tăng và phật tử Tu viện Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai. Vì bực tức trước việc những người tu theo pháp môn Làng Mai không rời khỏi tu viện Bát Nhã, vào ngày 27/9/2009, một số phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã lại tập trung tại tu viện, yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện.

Đến sáng 28/9/2009, 194 người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã rời khỏi tu viện đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng). Một số người khác đã trở về chùa ở địa phương hoặc về nơi tu hành trước đây. Nhưng chùa Phước Huệ không thể chứa được nhiều người nên những mâu thuẫn tiềm tàng lại dẫn đến xung đột tiếp theo. Đến ngày 30/12/2009, số người tu theo pháp môn Làng Mai cũng tự động rời khỏi chùa Phước Huệ.

Và cách giải quyết hợp tình của Giáo hội

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, với quan điểm đây là mâu thuẫn nội bộ giữa tăng ni và phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã, chính quyền  địa phương không can thiệp mà để Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Phật giáo địa phương giải quyết.

Chính quyền địa phương chỉ có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, thân thể cho những người tu theo pháp môn Làng Mai, đồng thời vận động, thuyết phục yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai, trước hết phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, hoạt động tôn giáo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để những người tu theo pháp môn Làng Mai đang ở tại Lâm Đồng trở về các chùa tại địa phương, nơi có hộ khẩu thường trú và chùa cũ để tiếp tục tu học.

Việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam sẽ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động giải quyết theo đúng quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được pháp luật Việt Nam công nhận.

Chưa hết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã liên hệ với những người lãnh đạo Làng Mai mà cụ thể là Thiền sư Thích Nhất Hạnh để tổ chức đối thoại, tìm hướng giải quyết để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp) tìm mọi cách liên hệ với tăng thân Làng Mai để tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi. Tuy nhiên, phía Làng Mai đều từ chối.

Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chủ động thông tin với Làng Mai trước một tháng về chuyến công du một số nước Tây Âu, và ngỏ ý được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn bạc giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Song, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từ chối không gặp với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã.

Rõ ràng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn để giải tỏa mọi mâu thuẫn và mong muốn một sự trợ giúp, thiện chí từ phía Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những người lãnh đạo Làng Mai đã không đáp ứng yêu cầu này. Chính sự bất hợp tác của Làng Mai cùng những lời kích động tăng ni, phật tử đã khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn và gây hiểu lầm về vụ việc ở Bát Nhã. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Xuân vẫn khẳng định rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại và hợp tác với Làng Mai

Huyền Chi
.
.
.