Sự lạc điệu của hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa nước Mỹ

Thứ Tư, 09/04/2014, 12:43
Hôm 7/4, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thiện chí trao cho Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường bản ghi nhận của Quốc hội Mỹ, trong đó ghi lại toàn văn tuyên bố của ông Faleomavaega về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Bản ghi nhận này sẽ được sử dụng làm tài liệu chính thức của Hạ viện. Trong tuyên bố của mình, Hạ nghị sỹ Faleomavaega hoan nghênh Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam vừa được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua ngày 8/2/2014 tại Geneva. Ông Faleomavaega bày tỏ sự tán đồng với những thành tựu được nêu trong báo cáo như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo và bảo đảm quyền của tù nhân... Đồng thời, Hạ nghị sỹ Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền, trong đó có việc Việt Nam tham gia đối thoại nhân quyền hàng năm với các đối tác như Mỹ, EU... Ông nêu bật những thành tựu nhân quyền Việt Nam như việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin ở Việt Nam, thể hiện qua số lượng đầu báo, ấn phẩm, các kênh phát thanh truyền hình, đồng thời nhấn mạnh quyền tự do lập hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được luật pháp bảo vệ.

Cũng theo Hạ nghị sỹ Faleomavaega, trong các chuyến thăm Việt Nam với tư cách là Chủ tịch và thành viên cao cấp của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông đã có cơ hội tham dự nhiều buổi lễ tôn giáo tại các địa điểm thờ tự khác nhau, qua đó có thể khẳng định Việt Nam là một quốc gia tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo và đang tích cực bảo vệ các tổ chức tôn giáo theo luật pháp...

Thành tựu nhân quyền Việt Nam là một thực tế khách quan, được đông đảo các nước trên thế giới công nhận và điển hình là việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tín nhiệm bầu Việt Nam là thành viên của hội đồng này, tại phiên họp diễn ra năm ngoái. Thế nhưng, việc bản ghi nhận về nhân quyền Việt Nam được khẳng định từ chính kiến trong Hạ viện Mỹ đã khiến dư luận chú ý bởi nhiều lẽ. Lâu nay, Việt Nam rất thiện chí trong việc tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức nước ngoài vào tìm hiểu tình hình nhân quyền, từ đó có cách nhìn khách quan, đúng đắn hơn, đồng thời sẵn sàng đối thoại để làm rõ những vấn đề còn khác biệt.

Về những khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cũng chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, triển khai để đảm bảo các vấn đề nhân quyền được thực thi tốt nhất. Thế nhưng, trong khi các tổ chức quốc tế, các quốc gia, tổ chức và cá nhân đều ghi nhận, đánh giá những thành tựu về nhân quyền Việt Nam với những ghi nhận và đánh giá, hành động thiện chí thì một số tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục có đánh giá sai lệch, thậm chí bôi nhọ sự thật, có hành động đi ngược với sự thiện chí của chúng ta.

Những bản đánh giá được nêu ra từ Hạ viện Mỹ, trong đó một số Hạ nghị sĩ có những đánh giá mang tính định kiến về nhân quyền Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2013, cơ quan này ra dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897 kêu gọi siết chặt chế tài với Hà Nội, được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua trước hạn. Đây là dự luật do hai nghị sỹ Ed Royce, đảng Cộng hòa, bang California và Chris Smith, đảng Cộng hòa, bang New Jersey, khởi xướng. Dự luật HR 1897 lặp lại điệp khúc tố cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền” và đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua ràng buộc điều kiện nhân quyền và dân chủ vào các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho Chính phủ Việt Nam, đồng thời cổ súy thái độ cứng rắn hơn đối với Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo. Mặc dù nhiều báo cáo và dự luật thiếu khách quan nói trên của Hạ viện sau đó bị Thượng viện Mỹ bác bỏ, nhưng sự lặp lại có tính thường niên của cơ quan này khiến dư luận đặt câu hỏi về những lý do, ý đồ đằng sau sự đánh giá có tính áp đặt và sai lạc đó. Những bản đánh giá áp đặt, sai lệch cũng như những tuyên bố trái với thực tế đã bị thế giới lên án.

Lần này, cũng một bản đánh giá về nhân quyền Việt Nam được nêu ra từ chính Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega. Ông Eni Faleomavaega cũng như Hạ nghị sĩ Chris Smith hay Ed Royce, đều giữ trọng trách trước cơ quan lập pháp Hoa Kỳ, đều có những kiến thức thực tế và cũng như tất cả những cá nhân, tổ chức khác quan tâm, họ đều được phía Việt Nam tạo điều kiện tìm hiểu thực tế, đối thoại về nhân quyền. Nghĩa là cùng một bản chất sự việc, cùng hiện thực khách quan, cùng một ý chí của cơ quan mà những vị này đang đảm trách, nhưng đánh giá đã hoàn toàn khác nhau. Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega đã có bản đánh giá mang tính khách quan hơn, đầy đủ hơn và thiện chí hơn, trong khi những Chris Smith hay Ed Royce vẫn theo lăng kính cũ. Rõ ràng, một khi nhân quyền trở thành chiêu bài để những kẻ chống đối mượn cớ như cái gậy chọc bánh xe thì ở bất luận thời điểm, hiện thực nào, nó đều bị méo mó theo ý đồ của người chọc gậy và ngược lại, khi có thiện chí, sự vô tư trong đánh giá tất sẽ nhìn ra sự thật.

Được biết, bản ghi nhận này của Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega sẽ được sử dụng làm tài liệu chính thức của Hạ viện. Nghĩa là tài liệu này sẽ được sử dụng để chính những Chris Smith hay Ed Royce... nhìn vào đó soi chiếu. Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, được thế giới tín nhiệm, vị trí, vai trò cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, khu vực. Sự thực ấy, và bản ghi nhận mới của Eni Faleomavaega là rất đáng hoan nghênh, còn những kẻ vẫn cố tình bám víu chiêu bài nhân quyền để phục vụ ý đồ chống phá nên biết nhìn vào sự thật đó để điều chỉnh hành vi, nếu không chính họ sẽ bật bãi khỏi đường ray, khỏi xu hướng tiến bộ của con người

M.Đ.
.
.
.