Sớm chấm dứt tình trạng báo hoá tạp chí điện tử

Chủ Nhật, 17/11/2019, 07:41
Thời gian qua, tình trạng “báo hóa tạp chí”; “báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp” đã diễn ra tương đối nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của các cơ quan báo chí, các nhà báo chân chính.


Thực tế này đã và đang khiến dư luận xã hội đặt ra nhiều câu hỏi, phải chăng, việc cấp phép hoạt động cho các cơ quan báo chí, tạp chí điện tử, trang tin điện tử tổng hợp thời gian qua còn khá dễ dãi và nhiều kẽ hở? Quá trình quản lý còn nhiều khó khăn, bất cập, cần sớm có giải pháp lấp dần các “lỗ hổng” này? Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này có cuộc trao đổi của PV Báo CAND với TS Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng “báo hóa tạp chí”, “báo hóa trang thông tin điện tử” gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian gần đây?

TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Trần Bá Dung: Tình trạng “báo hóa tạp chí” và “báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp” không phải là câu chuyện mới. Trên thực tế, chuyện này đã xảy ra từ lâu. Song nó mới nóng lên, gây bức xúc trong vài năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2019.

Việc lẫn lộn giữa báo và tạp chí, lẫn lộn giữa báo chí và trang tin điện tử tổng hợp đã ảnh hưởng đến hoạt động của báo chí chính thống, báo chí đúng nghĩa. Về bản chất, “báo hóa” tạp chí là hiện tượng một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng nội dung, tôn chỉ mục đích, lách luật để “báo hóa”; biến tạp chí thành báo. Tình trạng này thường tập trung vào các tạp chí điện tử của các hiệp hội, các hội.

Biểu hiện “báo hóa” thể hiện rõ từ nội dung thông tin, thay vì các nội dung mang tính chất chuyên ngành, phù hợp với một lượng độc giả nhất định, các tạp chí điện tử triển khai các tuyến tin, bài với nội dung rộng, bao trùm nhiều mảng, lĩnh vực không đúng tôn chỉ, mục đích. Về phương thức thông tin, nhiều tạp chí điện tử mở các chuyên mục mang tính điều tra nhưng “đội lốt” dưới hình thức: Thư bạn đọc, Nhịp cầu bạn đọc... nhằm “đánh đấm”, khai thác các mảng miếng, đề tài tiêu cực, hút sự quan tâm của công chúng như đất đai, môi trường, bất động sản...

Lợi dụng phương thức xuất bản giống với báo điện tử, các tạp chí điện tử thay vì lựa chọn cách xuất bản theo ngày, theo kế hoạch để “hút” độc giả nghiên cứu sâu, tra cứu thông tin, phản hồi khoa học về những nội dung nhất định mang tính chuyên ngành đã chuyển hẳn sang xuất bản theo giờ, thậm chí theo phút, cập nhật thông tin liên tục như báo điện tử.

Tương tự, mặc dù pháp luật đã quy định rõ trang tin thông tin điện tử không được phép hoạt động như một tờ báo, bản thân các trang tin thông tin điện tử trong giấy phép hoạt động cũng đều không có chức năng báo chí. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn “lách luật” để hoạt động báo chí một cách bừa bãi, trái với quy định của pháp luật bằng cách tự sản xuất tin bài, lấy lại tin bài của các cơ quan báo chí rồi cắt xén, giật tít, câu view…

PV: Hội Nhà báo có nhận được những thông tin phản ánh về vấn đề này và nhận qua những kênh nào, thưa ông?

Ông Trần Bá Dung: Hội nhà báo đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng “báo hóa tạp chí”, “báo hóa trang thông tin điện tử” từ nhiều nguồn khác nhau. Có ý kiến phản ánh trực tiếp trong các cuộc họp, qua cán bộ hội và nhiều tổ chức, cá nhân gửi đơn từ trực tiếp lên hội. Nội dung phản ánh tình trạng phóng viên nhiều tạp chí, trang tin điện tử đặt vấn đề xuống địa phương làm việc đi theo nhóm, theo hội đồng.

Người làm trước giới thiệu người làm sau đến quấy rầy doanh nghiệp, thậm chí là cả các đơn vị hành chính cơ sở như ủy ban xã, trường mầm non… Các trường hợp này đi không viết bài tích cực, chủ yếu móc máy, ngụy tạo ra các tình huống rồi gán cho đó là những kiến nghị từ đơn thư của bạn đọc gửi về tòa soạn.

PV: Theo ông, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hệ lụy gì?

Ông Trần Bá Dung: Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam đã có những động thái tích cực, nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này. Thực tế cho thấy, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan báo chí chính thống, làm xấu hình ảnh của những nhà báo chân chính trong lòng công chúng.

Đa phần các nhà báo của các tạp chí, trang tin điện tử nhân danh hội nọ, hội kia này khi xuống cơ sở, về các địa phương đều có động cơ gây khó, dọa dẫm, thậm chí tống tiền doanh nghiệp, “làm tiền” cả với các đơn vị hành chính như UBND xã, trường mầm non…

Các hành vi này phải ngăn chặn càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, việc lẫn lộn, không phân biệt được báo và tạp chí, tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích cũng không biết rồi đưa thông tin như báo chính thống hàng ngày là vi phạm pháp luật Báo chí.

Việc các trang tin điện tử tổng hợp dẫn nguồn không chính xác, cắt xén tin bài gốc từ các báo chính thống rồi giật tít, câu view… là vi phạm luật bản quyền. Xét về mặt nghiệp vụ báo chí, đạo đức nhà báo, các hành vi trên đều không thể chấp nhận được và cần phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, tình trạng “báo hóa tạp chí”, “báo hóa trang tin điện tử tổng hợp” diễn ra trong thời gian qua có một phần do những quy định pháp luật của chúng ta hiện vẫn còn nhiều kẽ hở để dễ dàng“lách luật”?

Ông Trần Bá Dung: Có lẽ chúng ta cần xử lý mạnh tay hơn đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí hoạt động  không đúng tôn chỉ, mục đích. Bên cạnh đó, cũng đừng để cho các đơn vị này một chức năng, nhiệm vụ lớn quá, khiến họ có cơ hội tìm khoảng trống để “lách luật”. Để làm được điều này đòi hỏi các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT phải làm giấy phép thật chặt chẽ, thật tốt để ngăn chặn việc lợi dụng giấy phép hoạt động vượt ra ngoài tôn chỉ, mục đích ban đầu.

Bản thân các cơ quan chủ quản của các tạp chí cũng phải quyết liệt chấn chỉnh lại đội ngũ, nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, kiên quyết nói không với việc trục lợi dựa trên sự tin tưởng, cả tin, thậm chí là sự yếu thế của người khác. Đặc biệt, trong quá trình quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, các tờ tạp chí của của các hội sẽ phải đưa về hoạt động đúng tôn chỉ mục đích.

Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần có chế tài xử phạt mạnh tay hơn đối với các đơn vị vi phạm. Đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần, vi phạm kéo dài có thể đình bản, rút giấy phép. Nếu chỉ phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng như hiện nay sẽ không có nhiều tác dụng, không đủ sức răn đe, ngăn chặn.

PV: Để chấn chỉnh tình trạng “báo hóa trang tin điện tử tổng hợp”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định tạm ngừng cấp phép trang thông tin điện tử đối với 2 đối tượng là nhóm trang thông tin do doanh nghiệp và cơ quan báo chí thành lập. Ông bình luận gì về quyết định này?

Ông Trần Bá Dung: Việc Bộ TT&TT ban hành quyết định tạm ngừng cấp phép trang thông tin điện tử với 2 nhóm đối tượng trên là kịp thời, đúng lúc và cần thiết. Điều này một mặt giúp cơ quan quản lý có thời gian để rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động của các trang tin điện tử hiện có, không để bung ra thêm nữa.

Mặt khác, việc tạm dừng này cũng sẽ trực tiếp phục vụ cho việc quy hoạch lại hệ thống báo chí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Với các trang tin điện tử câu view cho chính mình, vi phạm bản quyền, vi phạm Luật Báo chí, làm ảnh hưởng đến hoạt động báo chí chân chính, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý mạnh tay, chúng tôi ủng hộ.

PV: Theo ông, cần những giải pháp đồng bộ nào để chấn chính, xử lý dứt điểm tình trạng “báo hóa tạp chí”, “báo hóa trang tin điện tử tổng hợp” gây bức xúc?

Ông Trần Bá Dung: Để tìm được giải pháp căn cơ cho vấn đề này, có lẽ trước hết chúng ta cần phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao. Đầu tiên là nguyên nhân về mặt kinh tế, phải thừa nhận rằng, hầu hết các tạp chí này phần lớn ra đời trong các hội không có điều kiện kinh tế…

Khi cấp phép xong, hầu như cơ quan chủ quản không quan tâm đầu tư, thậm chí nhiều tạp chí còn phải nộp một khoản hàng tháng cho cơ quan chủ quản. Bên cạnh đó, một bộ phận nhà báo, phóng viên báo chí hiện nay nhận thức không đúng về vai trò, sứ mệnh của mình…

Cứ nghĩ nhà báo là có quyền năng làm được mọi việc nên đã bỏ quên chức năng, nhiệm vụ cụ thể của tạp chí, trang tin đó. Nguyên nhân thứ ba là nhận thức, đạo đức của một bộ phận nhà báo có dấu hiệu suy thoái, xuống cấp dẫn đến việc sẵn sàng làm sai chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí mà mình đang công tác.

Giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề này là quy hoạch lại báo chí theo quyết định đã được Thủ tướng chính phủ ban hành. Việc thực hiện quy hoạch lại báo chí nghiêm túc sẽ góp phần loại bỏ tình trạng báo chí hoạt động không đúng chức năng nhiệm vụ; sàng lọc, giảm bớt những tờ hoat động sai tôn chỉ mục đích. Ngoài ra, đối với việc xử lý vi phạm, mặc dù thời gian qua, Bộ TT&TT đã thực hiện thường xuyên, nghiêm túc  nhưng có lẽ vẫn cần xử lý mạnh tay hơn đối với những vi phạm kéo dài, vi phạm có hệ thống.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.