Sẽ đẩy mạnh vấn đề tự chủ trong việc tuyển người cho các trường

Thứ Hai, 22/05/2017, 08:17
Chiều 20-5 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.


Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm của Bộ là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn.

Đối với các trường đại học, việc quy hoạch không theo hướng hành chính, không quy hoạch theo tư nhân hay công lập mà theo hướng quy hoạch ngành, để làm sao hợp lý với yêu cầu của một đại học hay cụm đại học; thay bằng rải rác khắp nơi thì giờ theo các cụm, vùng mà ở đó tập trung nguồn lực để đào tạo tốt nhất.

Riêng với các trường sư phạm, Bộ trưởng đã nêu ra một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay, các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến trường phải tự xoay xở một cách yếu ớt.

Theo Bộ GD&ĐT, việc thực hiện hợp đồng lao động trong ngành giáo dục sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các giáo viên. Ảnh minh họa.

Đầu vào trường sư phạm không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học sư phạm ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều, đây là một sự lãng phí.

Theo Bộ trưởng, việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng rà soát sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Còn các trường CĐ sư phạm hay khoa sư phạm các nơi là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các Sở GD&ĐT cũng đã đề cập tới một số vấn đề được dư luận quan tâm như tự chủ ở đại học, tự chủ ở trường phổ thông và đặc biệt là cơ chế tuyển dụng giáo viên… Theo số liệu thống kê, hiện nay lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tới hơn 1,2 triệu lao động - đông nhất trong khối dịch vụ công.

Tuy vậy,  hiện nay, ở bậc phổ thông các trường dù đã được tự chủ trong việc thành lập các bộ phận hay xây dựng chương trình song tự chủ trong tuyển dụng giáo viên thì vẫn còn bất cập. Việc tuyển giáo viên theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến cơ cấu không đều, việc nâng cao chất lượng giáo dục rất khó khăn.

Thậm chí, tại nhiều nơi, tuyển dụng giáo viên không căn cứ trên nhu cầu của từng trường mà tuyển dụng theo tổng biên chế, dẫn đến không cân đối giữa các cấp học.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Tới đây sẽ đẩy mạnh vấn đề tự chủ trong việc tuyển người cho các trường, đồng thời sẽ thí điểm có lộ trình việc thực hiện hợp đồng lao động thay vì hợp đồng làm việc của viên chức.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc thực hiện hợp đồng lao động trong ngành giáo dục sẽ tạo ra sự cạnh tranh để những giáo viên giỏi có thể tham gia giảng dạy ở các trường khác nhau. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn.

Đánh giá cao báo cáo của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII vào tháng 10-2017. Đề án bao gồm 3 thành tố chính.

Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập.

Còn đổi mới cơ chế tài chính là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc xây dựng đề án sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, trong đó lưu ý sắp xếp các điểm trường ở khu vực miền núi với điều kiện tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được dịch vụ giáo dục. Phó Thủ tướng cho rằng không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính.

“Cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa làm sao có thể tự chủ được mà vai trò của Nhà nước vẫn phải rất lớn trong đầu tư, phát triển giáo dục ở những nơi này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng cho rằng: Càng tự chủ mạnh mẽ càng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có các cơ chế đặt hàng dịch vụ công đối với các trường đại học nghiên cứu khoa học cơ bản… khó có thể tự chủ tài chính hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công tới các cơ sở giáo dục đối với các dịch vụ giáo dục mang lại giá trị gia tăng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ như giao tài sản đất đai, cơ chế tín dụng phù hợp cho giáo dục đại học; chủ động sắp xếp lại lao động trong ngành giáo dục.

H.Thanh
.
.
.