Sẽ có 1.026 đơn vị hành chính cấp xã chịu sự tác động của việc sáp nhập

Thứ Tư, 17/07/2019, 08:37
Sáng 16-7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Nội vụ.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Đến nay, theo báo cáo của 61 địa phương (còn thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa báo cáo), số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là 20/713 đơn vị (trong số 20 huyện phải sắp xếp, có 3 huyện đảo là Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ không phải sắp xếp vì nằm biệt lập); số lượng cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 623/11.160 xã.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết: "Đặc điểm của thành phố Hồ Chí Minh là diện tích nhỏ, dân số đông. Nếu căn cứ vào tiêu chí về diện tích, rất nhiều đơn vị sẽ không đạt, do đó, việc triển khai sắp xếp đối với giai đoạn 1 là những đơn vị không đạt 50% cả hai tiêu chí thì nhập 2-3 đơn vị hành chính lại cũng không đủ diện tích, thậm chí có những quận diện tích chỉ khoảng 500ha, tức là khoảng 5km² và nếu theo tiêu chí về diện tích, cả quận đó nhập lại chỉ bằng một phường".

Theo ông Trương Văn Lắm, thành phố sẽ trình và báo cáo với Bộ Nội vụ 2 phương án. Phương án thứ nhất, sắp xếp theo đúng quy định là nhập 3 phường lại với nhau, nhưng cũng không đảm bảo được về diện tích (nghị quyết cho phép nếu nhập ba đơn vị hành chính thì không xem xét về yếu tố diện tích). Phương án thứ hai là yếu tố đặc thù, nhập hai phường lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn cho hay, tỉnh có 143 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, sau khi sắp xếp còn 63 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, toàn tỉnh sẽ còn 559 đơn vị hành chính cấp xã gồm 469 xã, 34 phường và 29 thị trấn, giảm 11,96% so với hiện nay.

"Trong đề án có một số xã có tiêu chí đặc biệt, do đó khi sáp nhập hai đơn vị với nhau vẫn có 6 đơn vị không đạt hai tiêu chí 50%", bà Lê Thị Thìn thông tin.

Sau sắp xếp, Thanh Hóa có 1.308 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, trong đó dự kiến bố trí cho các đơn vị cấp xã còn thiếu 555 cán bộ, công chức, cấp huyện là 147 người, làm công chức ở đơn vị sự nghiệp 10 người, về hưu trước tuổi và thực hiện tinh giản là 596 người. Có 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng sẽ có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sắp xếp, ngoài ra, có 4 tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh mặc dù không nằm trong diện này nhưng đã chủ động thực hiện sắp xếp.

Đến nay, có 4 đơn vị hành chính cấp huyện đã có phương án sáp nhập, gồm 3 huyện của tỉnh Cao Bằng và một huyện của tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh đơn vị hành chính của thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn để bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Theo phương án của các địa phương, sẽ giảm được 539 đơn vị hành chính cấp xã. Các xã này sẽ sáp nhập với xã liền kề, đối tượng chịu tác động của sự sáp nhập là 1.026 đơn vị hành chính cấp xã – con số tương đối lớn.

Chu Thanh Vân
.
.
.