Sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã - người dân được hưởng lợi
Không chỉ liên quan đến công tác cán bộ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế -xã hội địa phương. Trong chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” số đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ xoay quanh những nội dung của đề án này.
PV: Xin ông cho biết nội dung cụ thể của đề án?
Ông Vũ Đăng Minh: Đề án đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Theo đó, từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định khi bảo đảm các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị và được đa số nhân dân đồng thuận. Đến cuối năm 2021, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp.
Cùng với đó, đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhất là các chế độ, chính sách bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, biên chế, công chức, viên chức, người lao động và các chính sách giải quyết dôi dư khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.
PV: Những khó khăn khi đề án được triển khai, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trình tự, thủ tục thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính rất chặt chẽ, phải qua nhiều khâu, nhiều bước từ việc xây dựng đề án, lấy ý kiến nhân dân, thông qua HĐND các cấp, các cơ quan Trung ương thẩm định, thẩm tra, trên cơ sở đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong khi đó việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo lộ trình từ nay đến năm 2021 cần phải được thực hiện xong trước thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp (trước tháng 6-2020 đối với cấp xã và trước tháng 8-2020 đối với cấp huyện) nên thời gian thực tế còn lại để các địa phương tiến hành sắp xếp là khoảng 1,5 năm. Vì vậy, nếu các địa phương không có quyết tâm mạnh mẽ thì khó bảo đảm hoàn thành mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo lộ trình từ nay đến năm 2021.
Trong giai đoạn đầu thực hiện việc sắp xếp sẽ có các xáo trộn, gây trở ngại trong quá trình người dân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác; người dân và các doanh nghiệp phải tiến hành chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới.
Nhiều địa phương sẽ gặp khó khăn trong sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ dôi dư; bố trí cơ sở hạ tầng (trụ sở làm việc của chính quyền, trường học, bệnh viện…), các thiết chế văn hóa (đình làng, nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức các lễ hội…); khó khăn trong việc đặt tên, đổi tên đối với đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, khi phải có sự đồng thuận của nhân dân.
Ông Vũ Đăng Minh. |
PV: Việc sắp xếp các vị trí lãnh đạo sẽ được giải quyết ra sao nếu cùng một “ghế” có đến 3,4 cấp trưởng?
Ông Vũ Đăng Minh: Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì số lượng lãnh đạo (bao gồm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu) các cơ quan, đơn vị mới không vượt quá tổng số lãnh đạo hiện có của các cơ quan, đơn vị tiến hành sáp nhập, hợp nhất.
Chậm nhất sau 5 năm kể từ khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị nêu trên phải bảo đảm đúng theo quy định. Ngoài ra, khi cấp trưởng bố trí xuống làm cấp phó thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định. Nếu có nguyện vọng nghỉ chế độ, chính sách thì thực hiện theo quy định hiện hành.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành cính cấp huyện, xã đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết 37 để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
PV: Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, việc sáp nhập các đơn vị mới đang diễn ra một cách cơ học. Làm sao để tránh tình trạng này khi triển khai Đề án thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Trong năm qua, nhiều địa phương đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm đầu mối, khắc phục vấn đề chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ.
Khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ giảm số lượng lãnh đạo, giảm bộ phận phục vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, giảm biên chế và bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế giao năm 2015. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ đã chủ động xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định sửa đổi Nghị định số 24 và Nghị định số 37 về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Đồng thời, xin ý kiến của Bộ Chính trị về chủ trương này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành để bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận trong cả nước. Bộ Nội vụ nỗ lực, chủ động triển khai một cách đồng bộ, đặc biệt tính nhất quán trong công tác sắp xếp nhất là sắp xếp cán bộ.
PV: Thời gian trước đây, chúng ta đã tiến hành chia tách đơn vị hành chính các cấp. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta lại thực hiện chủ trương sáp nhập. Rõ ràng, ở mỗi thời kỳ, việc chia tách hay sáp nhập đều có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Vậy, Bộ Nội vụ đã tính đến tính ổn định, bền vững lâu dài trong việc xây dựng Đề án sắp xếp lại xã, huyện như thế nào?
Ông Vũ Đăng Minh: Bảo đảm tính ổn định, bền vững lâu dài của đơn vị hành chính các cấp là một trong những mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Đề án. Bộ Nội vụ xác định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là vấn đề lớn tác động không chỉ đến tâm lý đội ngũ cán bộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống chính trị phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bộ Nội vụ rất thận trọng khi xây dựng đề án, tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tham khảo kinh nghiệm của cha ông ta qua các thời kỳ. Ví dụ như, nghiên cứu tư liệu lịch sử từ các triều đại để xem việc chia các châu, các huyện thế nào, căn cứ vào cơ sở khoa học, thực tiễn ra sao khi sắp xếp chia tách…
Khi sắp xếp các đơn vị hành chính phải thận trọng, tạo sự đồng thuận của người dân, cấp ủy chính quyền. Tôi đã từng đi thực tiễn tại tỉnh Hà Tĩnh cho thấy có sự nhất quán từ Bí thư Tỉnh ủy cho đến tận thôn, tổ dân phố.
Người dân ở thôn thể hiện sự đồng thuận rất cao, hồ hởi phấn khởi thực hiện bởi họ cho rằng, chủ trương này là phù hợp, giúp giảm bớt chi phí hành chính, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo chính quyền hoạt động hiệu lực hiệu quả, người dân được hưởng lợi hơn. Vấn đề quan trọng hiện nay chính là tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm được chủ trương, tạo sự đồng thuận từ Trung ương tới cơ sở.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đồng bộ, quyết liệt tạo nên thành công Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công an đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, ngày 6-8-2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy giảm 6 tổng cục, 55 cục và tương đương, 819 phòng và tương đương (trong đó khối cơ quan Bộ giảm 287 phòng, địa phương giảm 532 phòng). Đạt được kết quả đó cho thấy sự quyết tâm rất cao từ lănh đạo Bộ cho đến lãnh đạo của các đơn vị trong ngành Công an. Bộ Công an đã làm tốt công tác truyền thông để ổn định tư tưởng, không có chuyện chỗ này sắp xếp, chỗ kia không sắp xếp, hay “nghe ngóng” mà đây là sự tái cấu trúc trong lực lượng Công an, đồng thuận ở tất cả các đơn vị và làm đồng thời cùng một lúc, mặc dù khối lượng công việc rất nhiều. Cùng với đó là ý thức chấp hành, tính kỷ luật, quân lệnh rất cao trong ngành Công an. Đồng thời, rất hoan nghênh các cán bộ lãnh đạo lực lượng Công an đang làm trưởng xuống cấp phó nhưng rất vui vẻ vì đây là chủ trương chung không phải vì mình yếu kém năng lực nên phải giữ chức vụ thấp hơn. Sự đồng bộ, quyết liệt tạo đã tạo nên thành công. (Ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ) |