Sai phạm về đất đai có “bóng dáng” của lợi ích nhóm
- 4 vấn đề lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý
- Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Ngày 5-11, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, nhiều đại biểu đánh giá, sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng, quản lý tài sản công…
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) cho rằng, sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài sản công diễn ra hầu khắp các địa phương ở nhiều cấp, kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được phát hiện và chấn chỉnh để đề ra biện pháp ngăn chặn.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) |
“Như câu chuyện quản lý đô thị, quản lý các dự án đầu tư xây dựng có nhiều công trình, dự án có quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, sau những lần điều chỉnh theo kiểu đúng quy trình thì quy mô đã lên đến 6.000-7.000 nhân khẩu. Đằng sau câu chuyện điều chỉnh đúng quy trình đó, lẩn khuất đâu đó bóng dáng của nhóm lợi ích, có rất nhiều dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn hơn rất nhiều và để lại những hậu quả nặng nề” – đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng các dự án sai mục đích phát triển chung, phá vỡ quy hoạch làm biến dạng hình hài đô thị, tăng áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội, môi trường sống xuống cấp trầm trọng, cảnh quan đô thị trật tự lộn xộn. Chính quyền thì luôn khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhà nước thì mất cán bộ, chủ đầu tư thì vô can.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) |
“Các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững, đầy thách thức, xử lý nghiêm và triệt để đối với loại vi phạm kiểu này, tôi e rằng đó là điều không thể. Công trình 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình và tôi ngờ rằng tiếp theo sẽ là dự án khu đô thị HH Linh Đàm”– đại biểu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng cho rằng, đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều nơi, đến mức lừa rao bán cả trụ sở cơ quan, trường học. “Qua các phương tiện thông tin, qua đơn thư của cử tri thì lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho lừa đảo hoành hành mạnh nhất, hình thành nên các băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho kinh tế và trật tự xã hội, đồng thời tiềm ẩn gây ra nợ xấu trong một số tổ chức tín dụng vô tình tiếp tay cho các dự án ma của băng nhóm lừa đảo này” đại biểu nêu ý kiến và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo thanh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) |
“Nhiều cử tri đặt ra câu hỏi nghi vấn nhưng hoàn toàn logic có phải tại cơ chế kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước không? Hay nguyên nhân chính là do đường dây băng nhóm công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác cùng tạo ra môi trường tù mù lùng bùng để băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng”.