Quyết định trúng đích

Thứ Hai, 25/03/2013, 14:10
Viiệc Bộ GD&ĐT thu hồi quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ của 57 chuyên ngành thuộc 27 trường đại học, viện, học viện do không đáp ứng yêu cầu “là một quyết định trúng đích”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại - người sáng lập ra mô hình giáo dục thực nghiệm ở Việt Nam bày tỏ. Đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo dục, người dân quan tâm đều đồng tình với việc nên làm đó, vì nguồn nhân lực thật sự có chất lượng cho sự nghiệp kiến thiết đất nước.

Điểm danh những cơ sở đào tạo trong danh sách này, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi chính thương hiệu đã đi vào tâm khảm của bao thế hệ người học. Ví như Viện Khoa học xã hội bị thu hồi 5 chuyên ngành; Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh bị thu hồi 7 chuyên ngành; Viện Khoa học nông nghiệp bị thu hồi 7 chuyên ngành… Những cơ sở đã có vị thế không hề thấp và đóng góp không nhỏ trong ngành Giáo dục đào tạo, vậy mà yêu cầu tối thiểu cho một cơ sở đào tạo tiến sĩ cũng không thể đáp ứng: Một giáo sư hoặc phó giáo sư và bốn tiến sĩ cùng ngành là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, trong đó có ba người cùng chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo. Thế nhưng, các cơ sở đào tạo này vẫn cho ra lò lớp lớp “tiến sĩ” trong nhiều năm qua, cũng không loại trừ sản phẩm của cỗ “máy cái” không hoàn chỉnh đó đã và đang đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước.

Đơn cử như việc đào tạo tiến sĩ tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam với hàng loạt chuyên ngành: Vi sinh vật học thú y; sinh sản và bệnh sinh sản gia súc; bệnh lý học và chữa bệnh vật nuôi… không có lấy một giáo sư, phó giáo sư, thậm chí không có cán bộ cơ hữu trình độ tiến sĩ cùng ngành.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại gọi đó là mối nguy cho quốc gia. Vì suy cho cùng, chất lượng đào tạo các tiến sĩ đó không thật. Ông cảnh báo, các cơ sở đào tạo “có danh” mà không “có lực” hiện nay không chỉ có chừng ấy, thậm chí cả ở những nơi cho ra lò những học hàm cao hơn. Thực trạng ấy đã phần nào sáng tỏ cho câu hỏi: Việt Nam ta nhiều tiến sĩ mà sao ít công trình nghiên cứu được công bố như vậy!

Ông Hoàng Văn Xiêm, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu kỹ thuật cấp cao Bồ Đào Nha cho rằng, đây là sự lãng phí chất xám trầm trọng. Không phải là chất xám từ các kiều bào hay các nghiên cứu sinh ở nước ngoài, mà là các thạc sĩ, tiến sĩ trong nước. Mỗi năm biết bao thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp, thử hỏi có bao công trình khoa học đã được công bố, khi yêu cầu tốt nghiệp vốn rất chung chung và đánh đồng giữa tạp chí trong nước và quốc tế. Khi các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện như trên được sáng tỏ, người ta hiểu được nguyên nhân sâu xa của tình trạng chất lượng đào tạo thấp kém như hiện nay. Và vì thế, một nguồn nhân lực chất lượng cao cũng khó mà đạt được nếu còn buông lỏng quản lý giáo dục như thế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng động thái trên là “cú hích” đối với các trường trong chấn chỉnh hoạt động đào tạo. Và Bộ thay đổi cách thức quản lý cũng chỉ mong muốn nhìn thấy được sự chuyển động tích cực của các trường. Giáo sư Hồ Ngọc Đại đồng tình với cách “ra roi” của nhà quản lý giáo dục, nhưng ông cho rằng còn sớm để nghĩ tới sự chuyển động hiệu quả trong đào tạo. Trái lại, tác động không mong muốn qua việc này còn có thể tạo ra cơ chế “xin-cho”, “hợp đồng” giáo sư, cán bộ cơ hữu cho qua thủ tục…

Để thực sự lập lại kỷ cương trong đào tạo, Giáo sư Đại đề nghị cách thiết thực nhất là phải chấn chỉnh lại quy chế quản lý giáo dục đào tạo cho chặt chẽ, kiểm soát, xử lý nghiêm minh mới đem lại hiệu quả bền vững

Thanh Phong
.
.
.