Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống

Quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp 2013

Thứ Hai, 18/08/2014, 08:47
Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo luật pháp quốc tế, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo bao gồm các vấn đề: Tự do có, theo hoặc thay đổi một tôn giáo hay tín ngưỡng do mình lựa chọn; tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc không công khai dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. Ở Việt Nam, từ những ngày đầu thành lập nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã luôn được ghi nhận và được thể hiện trong các hiến pháp qua các thời kỳ từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quyền tự do, tín ngưỡng trong Hiến pháp 2013 được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản như sau:

1, Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân

Theo dòng chảy của lịch sử, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, kể cả tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại nhập.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Người có tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được yên tâm và an toàn hành đạo theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính và điều này trở thành một nguyên tắc hiến định trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, trở thành một trong những quyền cơ bản của con người... Mọi người dân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Sau gần ba mươi năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về kinh tế, xã hội; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Nhiều chính sách, pháp luật về kinh tế và xã hội, trong đó có chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng và ban hành, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo bằng việc nhất quán nguyên tắc tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong các văn kiện, nghị quyết, thể hiện về tính chất cũng như ý nghĩa quan trọng của tôn giáo trong đời sống xã hội, quyền tự do tín ngưỡng phù hợp với xu thế phát triển của xã hội dân chủ và tiến bộ. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước cũng được đẩy mạnh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Sự quan tâm, bảo đảm và tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước đối với những người có tín ngưỡng, tôn giáo trong lĩnh vực phát triển kinh tế (bằng các dự án xóa đói, giảm nghèo, trồng rừng,...) là những đảm bảo quan trọng để họ có điều kiện thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình, giúp tạo được niềm tin, sự kỳ vọng và khích lệ các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một điều cần hết sức lưu ý là, Hiến pháp 2013 sử dụng khái niệm “Mọi người” thay bằng khái niệm “Công dân” trong các bản Hiến pháp trước đây. Điều này thể hiện một cách bao trùm và chính xác hơn về quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, khẳng định nguyên tắc tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội, bởi Nhà nước ta là Nhà nước phi tôn giáo, song, đặc biệt tôn trọng quyền tự do tôn giáo và không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo. Việc ghi nhận khái niệm “Mọi người” có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn khẳng định sự đoàn kết, gắn bó của toàn thể nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

2, Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Pháp luật của Nhà nước ta một mặt thừa nhận và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mặt khác nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tôn giáo gây phương hại cho lợi ích xã hội, lợi ích người khác, hoặc chia rẽ sự đoàn kết giữa những người có đạo với người không có đạo hoặc giữa những người có đạo với nhau nhằm đảm bảo cho tôn giáo hoạt động lành mạnh, tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Khoản 2, 3 Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Theo đó, mọi hành vi chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội sẽ bị xử lý và tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà tiến hành áp dụng các hình thức xử lý thích hợp, cao nhất là xử lý hình sự. Nhà nước Việt Nam chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái chính sách pháp luật của Nhà nước, cấm những hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo và các hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, gây chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc, gây mất đoàn kết trong nhân dân vv...

Với tinh thần cởi mở, thông thoáng, hệ thống pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, một mặt đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, mặt khác xác định yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đến lợi ích chính đáng của công dân có tín ngưỡng, tôn giáo và thể hiện thái độ nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo như nghiêm cấm việc xâm phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, ép buộc công dân theo tôn giáo hoặc bỏ tôn giáo mà họ tin theo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước... và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Sự ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp 2013 một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; tạo môi trường pháp lý quan trọng cho các tổ chức tôn giáo hoạt động; thích ứng với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập trong lĩnh vực tôn giáo; đồng thời, là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ ổn định, bền vững giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo.

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện tinh thần đổi mới và thể hiện được ý Đảng, lòng dân, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân, thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trong đó chế định liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có một vai trò, vị trí quan trọng

N.T.H.
.
.
.