Quốc hội yêu cầu kéo giảm từ 5-7% tội phạm xâm hại trẻ em
Chiều 19-6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em với 92,13% ĐBQH biểu quyết tán thành.
- Xử lý người đứng đầu nơi xảy ra những vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng
- Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng - những câu chuyện nhói lòng
- Đại biểu Quốc hội đề nghị thiến hóa học tội phạm xâm hại trẻ em
- Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em
Nghị quyết nêu rõ, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Tổng Thư ký Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết. |
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao...
Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao...
ĐBQH biểu quyết tại hội trường. |
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông dành các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng internet, mạng xã hội; cung cấp thông tin, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho các bậc cha, mẹ học sinh.
Chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho Điều tra viên.
Kết quả biểu quyết. |
Chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại; kịp thời đưa nạn nhân đi giám định hoặc phối hợp với cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiến hành các biện pháp thu thập kịp thời chứng cứ, dấu vết phục vụ việc giám định, bao gồm cả giám định mức độ tổn hại về sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Nắm đầy đủ, kịp thời thông tin các đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em và tiến hành các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.