Quốc hội và HĐND các cấp phải có tầm nhìn, bản lĩnh và sức sáng tạo mới
Diễn ra trong 1 buổi sáng, hội nghị cũng đã nghe Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và ý kiến phát biểu của 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng, miền trong cả nước.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, trong phạm vi, thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm ban hành Chỉ thị số 02 ngày 14/1/2021; chủ động phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về tổ chức cuộc bầu cử; tổ chức nhiều phiên họp Chính phủ và Thường trực Chính phủ, kịp thời ban hành các nghị quyết của Chính phủ, kết luận và Công điện của Thủ tướng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. |
Song song với việc tập trung chỉ đạo công tác bầu cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép; vừa chỉ đạo sát sao, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID - 19 vừa tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo..., bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp quan tâm, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực tham gia thực hiện “chống dịch như chống giặc” và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định cuộc sống và an toàn cho Nhân dân, tạo động lực quan trọng để Nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia cuộc bầu cử.
Về đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, như thời gian bỏ phiếu đối với khu vực đạt tỷ lệ 100% cử tri đã đi bỏ phiếu; khoảng thời gian để địa phương in ấn tài liệu, phiếu bầu và niêm yết danh sách người ứng cử; quy định về cử tri đi bỏ phiếu nơi khác; về danh sách người ứng cử trong lần bầu cử thêm...
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh việc tiếp xúc cử tri phù hợp về số cuộc, số người tham gia, bằng hình thức trực tiếp, trực tuyển, qua phương tiện thông tin đại chúng, vừa đảm bảo quyền vận động bầu cử, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức 50.497 cuộc tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trình bày chương trình hành động vận động bầu cử, đảm bảo dân chủ, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh trà thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo. |
Từ góc nhìn của MTTQ Việt Nam, ông cảm nhận sâu sắc 2 điều: Cuộc bầu cử là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, thật sự là ý Đảng lòng dân, là niềm tin tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Niềm vui, niềm tin tưởng được nhân lên khi các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao. Điều đó không chỉ thể hiện uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo cấp cao mà còn là niềm tin của Nhân dân đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hai là, qua các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở thấm nhuần sâu sắc thêm lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Từ đó, nhận thức sâu sắc thêm vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải nỗ lực hơn nữa, tin vào dân, dựa vào dân, thực sự là hạt nhân kết nối, lan tỏa, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy trong các cuộc bầu cử tới, khẳng định chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong cuộc bầu cử vừa qua.
Đặc biệt là, trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thành công của cuộc bầu cử lại càng cho thấy sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, hội tụ ở niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo. |
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và biểu dương đội ngũ cán bộ Y tế, chiến sĩ Quân đội, CAND và các lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử. Đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tầng lớp Nhân dân và toàn thể cử tri đã thể hiện tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia bầu cử đóng góp quan trọng cho thành công của cuộc bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chúng ta vui mừng trước kết quả đạt được của cuộc bầu cử nhưng đây mới chỉ là thành quả bước đầu để vững tin hơn trong xây dựng, củng cố nền dân chủ XHCN. Tới đây, chúng ta cần tập trung vào tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ; xem xét, quyết định các chương trình, kế hoạch lớn của nước ta cho 5 năm sắp tới như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn và một số Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 cũng là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Bước vào nhiệm kỳ mới, mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm của mình theo Hiến pháp và pháp luật, phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho bộ máy nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đề nghị các đại biểu lĩnh hội tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội đồng thời yêu cầu, cần nhận thức rõ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, Quốc hội và HĐND các cấp càng phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới...