Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), bỏ Sổ hộ khẩu cuối năm 2022

Thứ Sáu, 13/11/2020, 16:39
Với 449 ĐBQH biểu quyết tán thành (93,15%), chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Luật gồm 7 chương, 38 điều, có hiệu lực từ 1-7-2021.


Tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu sau 1/7/2021 để chứng minh thông tin

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội, việc cho phép tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh nơi cư trú, do ý kiến còn khác nhau nên UBTVQH cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị ĐBQH.

Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 266/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án (1) cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022; có 135/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án (2) quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2021).

Đại biểu biểu quyết tại hội trường.

Do đó, UBTVQH xin tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH và thể hiện khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

Quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ngay từ thời điểm ngày 1/7/2021. 

Khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31/12/2022.

Được đăng ký thường trú nếu nhà thuê đủ 8m2/sàn/người

Về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (điểm b khoản 3 Điều 20) có hai luồng ý kiến khác nhau. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Hội trường, UBTVQH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị ĐBQH.

Kết quả, có 235/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án (1) quy định điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Toàn cảnh hội trường.

153/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án (2) quy định điều kiện đăng ký thường trú là đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên. Do đó, UBTVQH xin tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH và thể hiện điểm b khoản 3 Điều 20 của dự thảo Luật theo hướng phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Về điều kiện đăng ký tạm trú đối với người đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (Điều 27) do ý kiến còn khác nhau, UBTVQH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị ĐBQH.

Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 209/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án (1) không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý; có 189/402/481 ĐBQH đồng ý với phương án (2) là cần có quy định này. Do đó, trên cơ sở thảo luận, thống nhất giữa các cơ quan có liên quan, UBTVQH xin tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH là không quy định điều kiện riêng đối với người đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Quỳnh Vinh
.
.
.