Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao ở Kỳ họp thứ 6
- Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- Lấy phiếu tín nhiệm và trách nhiệm người đứng đầu
- Tuần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
- “Dân không đồng tình buôn chổi đót, chạy xe ôm mà xây được biệt thự “khủng”
Thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến về 6 dự án luật
Căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét, thông qua 11 dự án luật, gồm: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật CAND (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (theo quy trình tại một kỳ họp).
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Đồng thời Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Hành chính công (nếu có).
Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Xem xét các báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và kết luận của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét Báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do UBTVQH lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có); xem xét Báo cáo của UBTVQH về kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (nếu có); xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có)…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đối với các đề án và nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế và kết luận của UBTVQH, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Toàn cảnh phiên họp |
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 9-2018 (dự kiến từ ngày 5 đến 7-9) để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật CAND (sửa đổi)... trước khi trình Quốc hội.
Lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sắp xếp chương trình làm việc để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước, các Bộ trưởng trả lời chất vấn sau. “Việc này nhằm tránh gây bất lợi cho những Bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp này, đây cũng là kinh nghiệm mà các nhiệm kỳ trước đã thực hiện” – bà Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra giữa kỳ họp, còn tuần gần cuối kỳ họp thì tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. “Cần chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, chuẩn bị cho chương trình lấy phiếu tín nhiệm một cách chu đáo. Quốc hội và Chính phủ cần phối hợp ngay từ bây giờ, không để trục trặc, thiếu hồ sơ khi lấy phiếu tín nhiệm” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này việc trả lời chất vấn không chỉ có 4 Bộ trưởng mà tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt để giải trình việc thực hiện các lời hứa của mình trước đây như thế nào.
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 25 UBTVQH chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án luật và tiến hành những bước tiếp theo; đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết đã được thông qua để ký ban hành.
Đối với những vấn đề còn nội dung ý kiến khác nhau thì khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh. Riêng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ cùng với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, làm việc với các cơ quan có trách nhiệm trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng để bàn về những nội dung còn ý kiến khác nhau để tiếp thu, chỉnh lý, trước khi báo cáo các cơ quan có thẩm quyền…