Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật tại kỳ họp thứ 11

Thứ Tư, 24/02/2016, 17:00
Sáng 24-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 16 ngày (không kể các ngày nghỉ), họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-3 và bế mạc vào ngày 9-4.

Về nội dung dự kiến của kỳ họp do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, kỳ họp thứ 11 sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Đồng thời Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật biểu tình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp.

Do thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016 chưa nhiều nên tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ tập trung xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, quyết định các kế hoạch liên quan đến kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020. 

Các báo cáo này đang trong quá trình hoàn tất việc chuẩn bị, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 46. Cùng với đó là quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.

Về việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến sẽ  trình Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản chính thức về việc bổ sung nội dung này, nên chưa bố trí vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 sắp tới.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11 hay không. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nên tiếp xúc cử tri theo luật, nhưng cách thức cần thay đổi gọn hơn, ví dụ một đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ tiếp xúc cử tri tại cử tri một nơi. Trong quá trình tiếp xúc phải thông báo cho cử tri các báo cáo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để cử tri có ý kiến, xem xét, đánh giá vì kỳ họp cuối nhiệm kỳ người dân rất quan tâm. 

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, luật quy định phải tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp nhưng luật cũng quy định báo cáo tiếp xúc cử tri phải được tổng hợp 20 ngày trước khi kỳ họp diễn ra; mà kỳ họp thứ 11 nội dung chủ yếu là tổng kết nhiệm kỳ. Ông đề nghị nên thay cuộc tiếp xúc cử tri bằng cách gửi văn bản đến các đoàn ĐBQH và thông qua MTTQ lấy ý kiến cử tri rộng rãi, tổng hợp chung đánh giá, góp ý của cử tri về hoạt động của Quốc hội khoá XIII… 

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, vấn đề tiếp xúc cử tri phải căn cứ trên tình hình thực tế và chờ kết luận cuối cùng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Quỳnh Vinh
.
.
.