Quốc hội đề nghị làm rõ căn nguyên tệ "mua quan, bán chức"

Thứ Tư, 30/03/2016, 09:14
Xem xét 4 báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trong phiên làm việc ngày 29-3, đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nhất là tham nhũng trong "mua quan, bán chức".

Chia sẻ những hạn chế không hoàn toàn thuộc về lỗi của Chính phủ như ngân sách chưa thể đáp ứng được với nhu cầu hỗ trợ chính sách hoặc đầu tư cho các tỉnh; tình hình rớt giá, gian lận thương mại, buôn lậu, hàng nhái hàng giả, vấn đề này khó để trả lời thời điểm nào chấm dứt… nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng có một vấn đề cử tri và nhân dân rất bức xúc, thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, nhưng chưa được giải quyết, đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng lãng phí, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp.

“Gần đây Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là chạy luân chuyển. Điều đó có nghĩa có chính sách gì mới là chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý và chính vì thế câu hỏi "chạy ai?" "ai chạy?" chúng ta chưa trả lời được”.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cùng các nhà báo và đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao sáng 29-3.Ảnh: Quỳnh Vinh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề cập đến một vấn đề mà ông cho rằng là “nền tảng có ý nghĩa then chốt”, là ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân. “Khi thảm họa xảy ra ở Nhật, nước Nhật không bị rối loạn và sẽ nhanh chóng phục hồi, không chỉ vì tiềm lực kinh tế, mà còn vì ý thức kỷ luật, chấp hành pháp luật của người Nhật.

Hãy nhìn lại chúng ta so với các nước và cũng không nói đâu xa, so với ngay thời bao cấp thì ý thức chấp hành pháp luật đã đi xuống đến mức báo động. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương. Nhưng dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận mà kỷ cương lại không theo kịp. Vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, xả rác, gây mất trật tự nơi công cộng, bán hàng giả, làm ăn chộp giật cho đến vi phạm nội quy lao động, kỷ luật cơ quan, tham nhũng, lãng phí diễn ra khá phổ biến và đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật” – đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu: “Điều vô cùng nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là một việc rất bình thường. Thậm chí người chấp hành pháp luật, dừng xe khi có đèn đỏ và không có cảnh sát thì bị gọi là “thằng hâm”.

Vậy ý thức chấp hành pháp luật kém có phải là bản chất của người Việt hay không khi ra nước ngoài thì chấp hành pháp luật của họ rất nghiêm túc nhưng khi quay về Việt Nam lại vi phạm. Ngược lại, nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam một thời gian thì họ cũng có những vi phạm giống người Việt Nam? Đại biểu cho rằng “ở đây không chỉ có lỗi của người vi phạm mà còn có nguyên nhân rất quan trọng đó là bất cập, yếu kém trong vấn đề quản lý nhà nước.

Xu thế hội nhập kinh tế yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch, tăng năng suất lao động, chống tham nhũng lãng phí... đòi hỏi chúng ta hơn lúc nào hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phải bắt đầu ngay từ bây giờ, từ những việc thường ngày trong cuộc sống. Nếu không chúng ta sẽ mãi tụt hậu so với thế giới. Tôi cho rằng, đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào làm được việc này thì đồng chí đó sẽ ghi dấu ấn với lịch sử phát triển của đất nước”.

Vũ Hân
.
.
.