Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn:

Quảng bá phải song hành cùng thực tế

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:16
Những ngày qua, thông tin Hà Nội mạnh tay chi 2 triệu USD để quảng bá Thủ đô trên kênh truyền hình nổi tiếng thế giới CNN tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. 

Nhân dịp này, nhà nghiên cứu, tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa, du lịch và nghiên cứu, giảng dạy đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với phóng viên Báo CAND quanh câu chuyện về quảng bá và hiệu quả hoạt động đầu tư quảng bá hình ảnh nhằm thu hút khách du lịch đến Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

Phóng viên (PV):  Trước thông tin Hà Nội chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh Thủ đô trên kênh truyền hình CNN, nhiều người cho rằng đây là một cơ hội lớn để phát huy tiềm năng sẵn có để phát triển Hà Nội, đặc biệt là du lịch của Hà Nội trong tương lai gần.

Là người làm công tác nghiên cứu lại có kinh nghiệm lâu năm về quản lý văn hóa, du lịch, ông có cho rằng việc đầu tư này có thể mang lại sự phát triển như chúng ta mong đợi?

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (TS.THS): Theo tôi, việc Hà Nội chi 2 triệu USD quảng bá trên CNN có 2 mặt, vừa vui mà vừa lo. Vui vì chúng ta có kinh phí quảng bá trên hãng truyền hình nổi tiếng thế giới như vậy. Đây là một bước đi đúng, cần phát huy trong tương lai. Nhưng cũng lo vì chưa biết mình sẽ quảng bá như thế nào, có phát huy được hết không.

TS Trần Hữu Sơn.

Kinh tế du lịch là ngành kinh tế độc đáo, khi đã nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm rồi, muốn bán được thì phải thổi hồn vào sản phẩm và sản phẩm đó phải được quảng bá. Sản phẩm được quảng bá càng rộng thì người ta càng tin sản phẩm hay và tốt. Nhưng cái quan trọng hơn là quảng bá với người ta rồi mình phải tốt thật.

Mình phải xây dựng thương hiệu, cơ sở hạ tầng tương xứng để đảm bảo hình ảnh được quảng bá. Ví dụ, địa phương quảng bá người Thủ đô hiền hòa, mến khách thì thực tế thái độ đón tiếp, ứng xử với du khách phải đúng như thế. Nếu cứ “bún mắng, cháo chửi” thì người ta tò mò đấy nhưng sẽ sợ.

Việc quảng bá muốn hiệu quả thì nội tại địa phương phải có sự chuyển biến từ chính quyền, từ từng cán bộ đến từng người dân. Đây là điều rất khó nên tôi lo là mình quảng bá nhưng liệu có làm được như quảng bá hay không.

PV: Hà Nội rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc trưng. Theo ông, khi quảng bá thì Hà Nội nên lựa chọn như thế nào?

TS.THS: Hà Nội có rất nhiều cái riêng. Một trong những cái riêng ấy là sự hào hoa, thanh lịch. Hà Nội lại có nhiều di sản nổi tiếng. Đấy là phố cổ, là Hoàng Thành Thăng Long, là các cửa ô vào thành phố. Đấy cũng có thể là Hồ Gươm, Hồ Tây…

Trong muôn vàn đặc trưng ấy, tùy theo từng loại khách, tùy theo sự quan tâm, lựa chọn của từng người mà du khách tìm đến. Có người đi tìm ký ức xưa thì họ tìm biệt thự của người Pháp. Có người đi tìm dấu vết đất nước mình thời xa xưa nữa thì đến Hoàng Thành Thăng Long. Bảo tàng cũng là địa chỉ để họ khám phá.

Nhưng cũng có những người muốn cảm nhận không khí của Thủ đô, của phố cổ thì họ tìm đến phố cổ, tìm đến phố đi bộ ở Hồ Gươm. Rồi sự quyến rũ của Hồ Gươm khi chuyển mùa từ thu sang đông ra sao. Ẩm thực cũng là lĩnh vực rất cần được quảng bá. Không chỉ với riêng Hà Nội.

Khi nói đến Việt Nam, rất nhiều chuyên gia nổi tiếng thế giới đã từng khuyên Việt Nam nên phát triển thành “bếp ăn của thế giới”. Điều đó chứng tỏ văn hóa ẩm thực của người Việt Nam vô cùng hấp dẫn, phong phú. Lợi thế ẩm thực rất quan trọng. Ẩm thực Việt Nam cũng đã rất nổi tiếng.

Thế nên, trong các chuyến thăm của nhiều nguyên thủ quốc gia, của người nổi tiếng thế giới, họ đều mong muốn khám phá ẩm thực Việt. Đó không chỉ là những món đã nổi tiếng như phở hay bún chả Hà Nội. Đó còn là rất nhiều món ngon khác như cốm vòng, như chả cá Lã Vọng, lạc rang húng lìu Bà Vân, mua trà ở đâu thì ngon, cà phê thì quán nào, ăn phở ở đâu…

Tất cả những thương hiệu đấy đều rất đáng và rất cần được quảng bá vì mỗi thứ có vẻ riêng, tạo nên cái rất riêng của Hà Nội, chỉ Hà Nội mới có hoặc chỉ Hà Nội mới thực sự độc đáo thì ta nên chọn.

Với di sản văn hóa phi vật thể cũng cần quan tâm quảng bá. Ví dụ như Ca Trù, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vừa rồi Hà Nội có cách truyền bá rất hay là truyền dạy cho lớp trẻ.

Tôi nghe giáo sư Tô Ngọc Thanh kể, có một cháu bé 7 tuổi đã hát ca trù rất hay mà các nghệ nhân đều nhận định họ có thể đã phải học đến 7 năm thậm chí 10 năm chưa chắc hát được đầy đủ các làn điệu như cháu. Hoặc chúng ta vừa được công nhận di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thờ Mẫu ở Tây Hồ là một trung tâm nổi tiếng. Đấy chưa kể là nhiều địa điểm khác nữa. Thưởng thức, nghiên cứu đạo mẫu, hòa nhập với không khí thờ đạo mẫu ra sao cũng là một đặc sản của Thủ đô.

PV: Dung lượng và thời lượng quảng bá trên CNN thì có hạn nên Hà Nội sẽ khó có thể chọn tất cả được, thưa tiến sĩ?

TS.THS: Tôi nghĩ kinh phí 2 triệu USD đầu tư quảng bá trên CNN cũng chỉ là một trong những điểm kích cầu quảng bá hình ảnh và cũng chỉ là một trong rất nhiều “kênh” để quảng bá hình ảnh Hà Nội.

Với hoạt động quảng bá hình ảnh, tôi nghĩ, không chỉ riêng gì với Hà Nội mà với tất cả các địa phương khác trên cả nước đều có rất nhiều “kênh” thông tin quảng bá khác nhau và cũng mang lại hiệu quả rất cao. Điện ảnh là một kênh rất quan trọng.

Vài năm trước, khi Phú Yên đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia, tôi vào thấy khách ít lắm. Khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thành công đã khiến mọi người tìm đến Phú Yên rất đông. Ở Hà Giang, sau phim “Chợ tình Khau Vai”, du khách quốc tế đến đông hơn rất nhiều.

Tôi nghiên cứu tại sao thì thấy phim đặt ra nhiều vấn đề mang tính toàn cầu và người dân nhiều quốc gia rất quan tâm. Các vấn đề này lại được đề cập rất khéo qua câu chuyện cụ thể, tạo thành mối giao cảm khiến người ta yêu vùng đất Hà Giang và người ta tìm đến.

Tôi nhấn mạnh là truyền hình chỉ là một kênh quảng bá và phải có nghệ thuật quảng bá. Như tôi đã đề cập, Hà Nội có rất nhiều di sản, nhiều tiềm năng về mặt văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực. Những đặc trưng của Hà Nội gắn liền với rất nhiều địa chỉ cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức cụ thể.

Khi Hà Nội tổ chức quảng bá, xây dựng các sản phẩm để quảng bá thì việc các chủ thể sở hữu cần chung tay đóng góp chi phí cho quảng bá là hợp lý. 2 triệu USD, theo tôi, cũng có thể chỉ là con số ban đầu.

Chi phí cho công tác quảng bá có thể lên đến 20 triệu, thậm chí 200 triệu USD cũng cần thiết nếu thực sự hiệu quả cho phát triển. Tất nhiên, chi phí này không thể và không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà nên dựa vào nguồn xã hội hóa.

PV: Không ít  người  e ngại rằng chúng ta quảng bá rất tốt nhưng thực tế Hà Nội khó thuyết phục được du khách khi Thủ đô còn đối diện với rất nhiều vấn đề về môi trường, an toàn vệ sinh, ứng xử văn hóa… Thực tế chưa như quảng bá rất dễ khiến du khách thất vọng, không trở lại nữa.

TS.THS: Tôi nghĩ đây là mặt hạn chế không chỉ của riêng Hà Nội. Hà Nội hiện nay không còn như xưa nữa nhưng vẻ đẹp trong nếp sống của người Hà Nội thì chúng ta cần phải phấn đấu xây dựng bằng được.

Song song với quảng bá trên CNN thì chúng ta phải tự sửa đổi chính mình, xây dựng nếp sống văn minh của người Hà Nội. Chúng ta không quá khó trong việc chi 2 triệu USD hay 20 triệu USD, thậm chí có thể là 200 triệu USD nếu cần thiết và hiệu quả để quảng bá, phát huy các giá trị của Hà Nội trong cuộc sống hiện nay.

Nhưng, để có một cộng đồng sống văn minh, thực sự hào hoa, thân thiện mới là khó, và chuyện đấy quyết định rất lớn cho sự phát triển du lịch bền vững. Nếu chỉ có bún mắng, cháo chửi, vẫn còn ra đường kẹt xe, đụng nhau là cãi cọ thì rất khó cho phát triển du lịch.

Làm sao để người ta đến với chúng ta rồi người ta lại muốn đến nữa chứ không phải người ta đến rồi người ta thất vọng, không muốn quay trở lại một lần nào nữa… Việc này rất khó nhưng không phải chúng ta không làm được và tôi tin, nếu Hà Nội quyết tâm, lãnh đạo thành phố quyết tâm thì sẽ làm được.

PV: Xin cảm ơn ông

Ngọc Nguyễn
.
.
.