Quảng bá du lịch và việc giữ gìn hình ảnh

Chủ Nhật, 17/05/2015, 08:46
Dù chúng ta có nhiều hơn những chương trình quảng bá du lịch ấn tượng đến với bạn bè thế giới nhưng nếu không giải quyết được những vấn nạn làm phiền lòng du khách tại các điểm du lịch thì những nỗ lực để thu hút khách sẽ không thực sự mang lại hiệu quả.

Trong những ngày vừa qua, dư luận trong nước và hàng triệu khán giả xem truyền hình của Mỹ vẫn đang sống trong cảm xúc “choáng ngợp” từ sự kiện Đài ABC phát sóng trực tiếp chương trình Good Morning America về hang Sơn Đoòng trên truyền hình Mỹ sáng 13/5. 

Hàng triệu khán giả Mỹ và khán giả truyền hình của Đài ABC đã thức dậy buổi sáng với cảm giác ngất ngây từ vẻ đẹp mê hoặc và kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng và hang Én (Quảng Bình). Đây được xem là một trong những sự kiện quảng bá ấn tượng nhất về du lịch Việt Nam từ trước đến nay về những địa danh du lịch đến với thế giới. 

Nếu như từ trước đến nay, câu chuyện về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá du lịch ra với thế giới vẫn là điểm yếu của ngành du lịch thì thời gian gần đây lĩnh vực này đã được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể như phối hợp với các kênh CNN, BBC quảng bá du lịch Việt, tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch ở nước ngoài, xây dựng kênh quảng bá du lịch Việt Nam trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube, thậm chí gần đây là đón đoàn làm phim Bollywood khảo sát điểm đến Việt Nam…Trả lời báo chí ngày 15-5 sau khi phóng sự về hang Sơn Đoòng được phát trực tiếp trên chương trình truyền hình ABC, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng khẳng định sức ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng  của việc quảng bá những hình ảnh này đối với thương hiệu du lịch của quốc gia.

Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam hiện có 17 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 8 di sản văn hóa vật thể và 9 di sản văn hóa phi vật thể. Đây  là một thế mạnh, thu hút nhiều du khách quốc tế mà nhiều nước trong khu vực không sánh được. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Bên cạnh việc phát huy các thế mạnh, tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu hình ảnh có tính đột phá thì việc giữ gìn hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt cũng cần phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất. 

Một trong những vấn nạn  làm xấu đi hình ảnh tại nhiều điểm du lịch đó vẫn là dịch vụ, thái độ phục vụ kém và tình trạng chặt chém du khách. Điển hình như dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua, mặc dù theo đánh giá tại nhiều địa danh tình hình đã được cải thiện nhưng nạn bắt chẹt khách, tăng giá phòng, tăng giá dịch vụ vẫn diễn ra. Gần đây nhất theo phản ánh trên một số tờ báo thì nhiều du khách nước ngoài đến tham quan một số điểm du lịch nổi tiếng tại TP HCM đã trở thành miếng mồi ngon cho một nhóm đối tượng lừa đảo chèo kéo ép khách mua dừa với giá…100 ngàn đồng/ quả. 

Ai sẽ muốn quay trở lại du lịch sau khi đã trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo, chặt chém? Đó là những ý kiến tâm huyết của độc giả không chỉ nói về “những quả dừa 100 ngàn đồng” mà cho cả những “hạt sạn” trong lĩnh vực này ở nhiều địa danh trên cả nước.

 Việc xử lý tình trạng nâng giá, bắt chẹt khách trên lĩnh vực du lịch hiện nay dường như mới chỉ phụ thuộc và trông chờ nhiều vào quyết tâm cũng như biện pháp cụ thể của từng địa phương. Và kết quả cụ thể của những nỗ lực này chưa đạt được như mong muốn. Trên thực tế cho dù chúng ta có nhiều hơn những chương trình quảng bá du lịch ấn tượng đến với bạn bè thế giới nhưng nếu không giải quyết được những vấn nạn làm phiền lòng du khách tại các điểm du lịch thì những nỗ lực để thu hút khách sẽ không thực sự mang lại hiệu quả.

Xuân Luận
.
.
.