Quản lý game online: Cần sự đồng thuận của toàn xã hội

Thứ Năm, 12/08/2010, 22:35
Bất ngờ kiểm tra đại lý kinh doanh dịch vụ Internet ở gần Trường Mầm non Hoa Sen, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có 70 khách hàng đều là thanh, thiếu niên đang đắm chìm vào các trò game online mang tính chất bạo lực.

Chủ đại lý trên không cho đoàn kiểm tra sever, tự ý cắt điện và chỉ hợp tác khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Ví dụ trên cho thấy, công tác quản lý Internet, trò chơi trực tuyến đang là vấn đề nóng bỏng và rất phức tạp. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội về việc này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về hoạt động kinh doanh đại lý Internet, trò chơi trực tuyến ở Hà Nội?

Ông Phạm Quốc Bản (P.Q.B): Trên địa bàn thành phố hiện có 3.400 đại lý kinh doanh Internet, khách hàng là thanh thiếu niên, trong đó phần lớn là các cháu vị thành niên. Qua khảo sát tại một số điểm kinh doanh Internet gần trường học phát hiện chiếm đa số là các cháu trai, nữ chiếm tỷ lệ ít. Các cháu đến đây đa số chơi game online, các trò game bằng đĩa ít hấp dẫn các cháu hơn.

PV: Kết quả khảo sát bước đầu của các ông phát hiện những trò chơi trực tuyến nào được khách hàng của các đại lý Internet ưa chuộng?

Ông P.Q.B: 70% trong số 72 trò chơi trực tuyến được cấp phép lưu hành mang tính bạo lực. Tôi xin dẫn ra đây khái niệm bạo lực được ghi trong từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Từ điển học biên soạn rằng, "bạo lực nghĩa là dùng sức mạnh để cưỡng bức, trấn áp...".

Bạo lực trong game thể hiện rất rõ khi dùng súng, gươm, dao để tiêu diệt đối phương trên môi trường ảo. Nó cũng thể hiện rõ hành vi đối kháng mang tính cá nhân, thanh trừng lẫn nhau... Từ đó, gieo vào người chơi những hành vi mang tính chất trấn áp kể cả khi đang ở thế giới thật. Đối với những người đang ở tuổi vị thành niên, lứa tuổi chưa hoàn thiện nhân cách, việc này gây ra hậu quả rất không tốt. Nó khiến các cháu vô cảm trong các mối quan hệ thực ngoài đời do bị ảnh hưởng bởi những cuộc tranh hùng trong các trò chơi mà vấn đề thắng, thua, thanh trừng lẫn nhau luôn đặt lên hàng đầu.

PV: Như vậy thì những ảnh hưởng không tốt của trò chơi trực tuyến mang tính chất bạo lực đến một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên rất rõ?

Ông P.Q.B: Ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, việc ham mê chơi game còn gây ra hậu quả xấu khác. Tôi lấy ví dụ, một số các cháu trai khi hết tiền chơi game thì gây ra các hành vi phạm pháp. Còn các cháu gái thì lên mạng cầu "cứu nét". Sau khi được "cứu", các cháu phải "trả ơn". Việc này dẫn đến tệ nạn xã hội chỉ trong gang tấc.

PV: Trước thực trạng đáng báo động về hệ lụy xấu của game online, Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp gì để ngăn ngừa?

"Hạn chế đa số người chơi, chơi game thâu đêm suốt sáng là mục tiêu quan trọng mà chúng tôi đặt ra. Tham khảo tại một số nước như Mỹ, Nhật, Pháp, tôi thấy rằng ở đây không có đại lý Internet. Các điểm truy cập Inernet công cộng đặt ở siêu thị, quán cà phê...

Nếu trẻ em truy cập có sự giám sát của bố mẹ. Việc truy cập Internet đa số được tiến hành tại nhà và gia đình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Thế nên tôi cho rằng, việc cắt đường truyền đến các đại lý Internet sau 23h là cần thiết. Đây cũng là biện pháp để các bậc phụ huynh quản lý con em mình tốt hơn" - ông Phạm Quốc Bản nhấn mạnh.

Ông P.Q.B: Trên địa bàn Hà Nội có 5 nhà chuyên cung cấp dịch vụ Internet. Toàn quốc hiện có 18 doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Các doanh nghiệp trên cung cấp trên thị trường khoảng 72 trò chơi trực tuyến. Ngoài ra, còn có hàng trăm game từ các máy chủ nước ngoài; đĩa lậu đang lưu hành. Chiếm đa số game đang lưu hành ở các quán nét đều có nguồn gốc nước ngoài (chỉ có duy nhất game "Thuận Thiên Kiếm" là do Việt Nam sản xuất).

Các công ty Việt Nam thực hiện việc phát hành cho nước ngoài theo tỷ lệ ăn chia 7/3 hoặc 6/4. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp trong nước đang phát hành thuê cho nước ngoài. Chính vì thế, việc tăng cường các biện pháp quản lý, tuyên truyền để mọi người thấy rõ tính hai mặt của game là cần thiết. Cụ thể, cần thanh tra các đại lý Internet, kiểm soát chặt việc nhập khẩu game, nghiêm khắc xử lý vi phạm, cấm trẻ em trong giờ học ra hàng Internet...

PV: Quyết định 15/2010/QĐ-UBND ngày 24/6/2010 của UBND TP Hà Nội về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet là cơ sở để chấn chỉnh hoạt động này?

Ông P.Q.B: Đúng thế. Chúng tôi đặt ra kế hoạch là đến 30/8/2010 dừng hoạt động tất cả đại lý Internet gần trường học dưới 200m; các đại lý chỉ được phép hoạt động đến 23h. Từ ngày 1/9/2010 cắt đường truyền đến các đại lý vào lúc 23h; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phải làm bộ lọc để lọc các game xấu. Tôi lưu ý là trước đây đã có bộ lọc này rồi nhưng các nhà cung cấp dịch vụ không làm (có thể vì lợi nhuận, vì quản lý chưa chặt...).

Việc kết hợp đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hành chính, kỹ thuật hy vọng sẽ đem lại hiệu quả cao. Tôi cũng rất vui mừng khi nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh, nhà trường, dư luận xã hội khi kiên quyết quản lý chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến.

Hà Nội: Một điểm kinh doanh Internet chuyên mua bán, trao đổi vật dụng ảo trong game có máy chủ ở Hàn Quốc

Đoàn liên ngành kiểm tra tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư NOBLESE.

Sáng 11/8, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chủ trì kiểm tra tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư NOBLESE, 107, nhà CT5 Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Đại diện công ty chưa xuất trình hợp đồng đại lý Internet; không cài đặt phần mềm quản lý đại lý Internet; hoạt động quá giờ quy định...

Tại thời điểm kiểm tra, công ty có 50 cây máy tính, trong đó 21 cây máy tính phục vụ kinh doanh Internet với giá 20.000đ/h, 23 cây máy tính dùng để mua, bán, trao đổi các vật dụng ảo trong game của Hàn Quốc. Các game này đều có máy chủ cài đặt ở Hàn Quốc, nhân viên công ty sử dụng tài khoản và tiền Hàn Quốc do người Hàn Quốc trả để chơi game, mua bán vật dụng ảo trong game cho người có nhu cầu (đa số là khách Hàn Quốc).

Ngoài ra, công ty còn sử dụng một máy chủ gồm 7 ổ cứng (mỗi ổ 160GB) để tải và lưu trữ các phim truyện, ảnh, ca nhạc phục vụ khách hàng có nhu cầu có thể xem trực tiếp từ ổ mà không cần phải tải từ mạng Internet. Tổng cộng có khoảng 10.000 phim, ảnh các loại. Đoàn kiểm tra thu giữ 1 cây máy tính để kiểm tra, xác minh tiếp.

Nguyên Cao

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.