Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cơ hội mới, hướng đến tầm cao mới

Thứ Ba, 07/07/2015, 09:07
Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, hơn thế nữa ta lại xuất siêu; về đầu tư thì các doanh nghiệp Hoa Kỳ đứng hàng thứ 6 – thứ 7 với tổng số vốn khoảng 10 tỷ USD.

>>Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thăm chính thức Hoa Kỳ

LTS: Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển đến “độ” như các nhà ngoại giao đánh giá là chín muồi, biểu hiện rõ nét bước phát triển vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước bằng chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, người từng nhiều năm lăn lộn và có nhiều đóng góp trên mặt trận ngoại giao, để bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này; đồng thời thấy rõ những cơ hội và cả những thách thức khi quan hệ hai nước bước lên tầm cao mới.

Vì lợi ích của cả hai nước

Phóng viên (PV): Thưa nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ đúng dịp Việt Nam-Hoa Kỳ vừa kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhiều người đánh giá mối quan hệ đó đã đến “độ” chín muồi. Theo ông, sự phát triển tốt đẹp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên những vấn đề căn bản nào và biểu hiện cụ thể của nó ra sao?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Hai thập kỷ qua quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có bước tiến vượt bậc. Về kinh tế thì kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng từ khoảng trên 700 triệu USD lên gần 40 tỷ USD, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, hơn thế nữa ta lại xuất siêu; về đầu tư thì các doanh nghiệp Hoa Kỳ đứng hàng thứ 6 – thứ 7 với tổng số vốn khoảng 10 tỷ USD.

Về chính trị thì hai nước đã thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện”. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội ta đã sang thăm chính thức Hoa Kỳ, ngược lại Tổng thống Clinton và Tổng thống G.Bush đã thăm chính thức nước ta; đó là chưa kể sự giao lưu sôi động ở cấp Bộ, ngành, đại biểu Quốc hội, địa phương. Hai bên đã hình thành nhiều cơ chế đối thoại cả về chính trị, kinh tế, an ninh – quốc phòng, dân chủ - nhân quyền… Hai bên còn hợp tác trên nhiều diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEAN, ADMM+, APEC, Mê-kông…

Về văn hóa giáo dục thì nay có khoảng 15.000 sinh viên Việt Nam theo học ở Hoa Kỳ; sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa xã hội khác cũng khá sôi nổi. Đó là chưa kể sự hợp tác đã có từ lâu về các vấn đề nhân đạo như về người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), đoàn tụ gia đình, rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam…

Hơn thế nữa, hai nước đã mở ra kênh hợp tác về an ninh - quốc phòng; hai Bộ Quốc phòng vừa thỏa thuận khuôn khổ hợp tác; về an ninh cũng có nhiều hình thức hợp tác…

Quả thật hai mươi năm trước đây không ai có thể hình dung sự hợp tác giữa hai “cựu thù” lại phát triển nhanh và toàn diện như vậy. Cũng không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng Bí thư Đảng ta chính thức sang thăm Hoa Kỳ!

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Vậy do đâu mà có bước tiến triển ngoạn mục như vậy? Tôi nghĩ mọi chuyện nằm trong lợi ích của cả hai nước. Đối với chúng ta, Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu thế giới, một nền kinh tế và một thị trường lớn nhất hoàn cầu, đứng đầu thế giới về trình độ phát triển khoa học – công nghệ và hệ thống giáo dục, đóng vai trò rất quan trọng trong các công việc thế giới và tại các tổ chức quốc tế và cả ở châu Á – Thái Bình Dương.

Do vậy, sự hợp tác với Hoa Kỳ có lợi đối với sự nghiệp phát triển của nước ta. Còn trong con mắt phía Hoa Kỳ thì Việt Nam là một quốc gia phát triển năng động, là một thị trường đáng kể nhiều nước đang nhằm vào, có vị trí, vai trò quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương; sự hợp tác với Việt Nam đem lại nhiều lợi ích kinh tế và chính trị đối với Hoa Kỳ.

PV: Lòng tin giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được củng cố, trên cơ sở chúng ta thì chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, còn phía Hoa Kỳ thì “...thay vì trả đũa, hãy nắm tay nhau, không phải bằng những nắm đấm mà bằng những vòng tay rộng mở” như nguyên Tổng thống Bill Clinton đã nói. Tuy vậy, chưa phải đã hết những khác biệt. Ông có thể chia sẻ một vài sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được giải quyết, và cả những khác biệt còn ở phía trước cần nỗ lực giải quyết?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Điều dễ hiểu là hai nước có không ít sự khác biệt. Không kể sự khác nhau về quy mô, trình độ phát triển, vai trò trên thế giới và cả văn hóa thì sự khác biệt đáng kể nhất là về chế độ chính trị - xã hội và khái niệm về giá trị. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì những sự khác biệt đó không phải là trở ngại vì giữa nước ta với nhiều nước khác cũng có những sự khác biệt tương tự nhưng vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau, thậm chí hình thành khuôn khổ “đối tác chiến lược” nữa.

Vấn đề chỉ là làm sao tôn trọng lẫn nhau theo tinh thần “cộng đồng tồn dị”, lấy những lợi ích lớn làm trọng, hợp tác bình đẳng, nếu có sự khác biệt thì thông qua đối thoại để hiểu biết lẫn nhau. Với Hoa Kỳ và với mọi quốc gia ta đều chủ trương như vậy.

Chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy năng lực “nội sinh”

PV: Mục tiêu cao nhất của chúng ta là hòa bình, ổn định để hợp tác và phát triển. Nhưng tình hình biển Đông gần đây đã đe dọa nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của chúng ta. Ông có thể phân tích tác động của mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Hoa Kỳ trong việc góp phần giữ vững môi trường hòa bình trên biển Đông nói chung, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói riêng?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trong thế giới ngày nay tính tùy thuộc lẫn nhau rất cao. Tình hình bất an bất kỳ ở đâu đều ít nhiều tác động tới cả thế giới. Vả lại châu Á – Thái Bình Dương nói chung và biển Đông nói riêng là khu vực trọng yếu của thế giới, riêng đường vận tải biển và hàng không đi qua khu vực này đã đóng vai trò hàng đầu, do đó những diễn biến ở đây liên quan rất nhiều tới hòa bình ổn định không chỉ của các nước trong khu vực.

Có thể hiểu được mối quan tâm sâu sắc không riêng gì của Hoa Kỳ mà còn của rất nhiều nước trên thế giới (ví dụ G7, tức là 7 nước công nghiệp phát triển nhất hay cuộc gặp giữa Nhật Bản và 4 nước ven sông Mê-kông vừa diễn ra ở Tokyo) về những gì đang diễn ra ở đây.

Dân ta có câu “nói phải củ cải cũng nghe”, chúng ta nên hoan nghênh mọi tiếng nói nói lên lẽ phải vì chúng có thể góp phần giữ gìn ổn định trong khu vực – một lợi ích thiết thân cho mọi quốc gia.

PV: Trên nền tảng phát triển tốt đẹp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ như hiện nay, với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, theo ông cần làm gì để nắm bắt lấy cơ hội phát triển và vượt qua thách thức?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi nghĩ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tính biểu tượng rất cao; nó chứng tỏ hùng hồn sự chín muồi của quan hệ giữa nước ta với Hoa Kỳ, mở ra nhiều cơ hội mới cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và cho hòa bình, ổn định trong khu vực, tạo đà đưa quan hệ lên tầm cao mới.

Để nắm bắt và tận dụng những cơ hội mới mở ra thì có lẽ điều trước tiên là xuất phát từ tinh thần độc lập, tự chủ, nhận thức cho đúng những gì đang diễn ra trên thế giới, ở khu vực và trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Thứ đến là theo dõi và tìm hiểu những thỏa thuận sẽ đạt được, nổi lên là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đưa tới sự hình thành Khu vực mậu dịch tự do bao gồm 12 quốc gia trong khu vực, trong đó có nước ta và Hoa Kỳ, trên cơ sở đó tích cực, chủ động chuẩn bị mọi điều kiện bên trong để tận dụng mọi cơ hội, đồng thời xử lý những thách thức sẽ nảy sinh vì nói cho cùng “nội sinh” quyết định hết thảy. Trong chiến đấu cũng vậy, trong hợp tác làm ăn cũng không khác.

PV: Trân trọng cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.