Phổ biến thỏa thuận về di cư quốc tế tại Hà Nội

Thứ Ba, 20/08/2019, 10:14

Mỗi năm có đến hơn 100.000 lao động Việt Nam di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn và hàng chục ngàn người di cư du học hay kết hôn với người nước ngoài.

Ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thông tin trên được đại diện Bộ Ngoại giao công bố tại Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) diễn ra ngày 20-8 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham gia của ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam; cùng hơn 60 đại biểu đến từ các Bộ, ngành và cơ quan ngoại vụ của một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức, là Hội nghị đầu tiên mà Bộ Ngoại giao triển khai trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về Thỏa thuận GCM trên toàn quốc trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ biến nội dung của Thỏa thuận đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan.

Ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam.

Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12-2018 và hiện nay đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe các chuyên gia về di cư quốc tế của Bộ Ngoại giao và IOM và giới thiệu về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, quá trình Việt Nam tham gia, đàm phán, thông qua Thỏa thuận, các mục tiêu của Thỏa thuận và việc triển khai tại Việt Nam cũng như ở cấp độ toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Việt Anh cho biết Việt Nam là nước gốc, đồng thời là nước tiếp nhận di cư quốc tế. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 4,5 triệu người. “Số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều: mỗi năm, có đến hơn 100.000 lao động di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn và hàng chục ngàn người di cư du học hay kết hôn với người nước ngoài. Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, học tập cũng có xu hướng gia tăng, hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài”, ông Vũ Việt Anh cho biết.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Hội nghị này giúp các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức liên quan có hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề di cư quốc tế, nội dung của Thỏa thuận cũng như mối liên hệ giữa di cư với các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. Hội nghị cũng là dịp để các cơ quan liên quan cùng nhau rà soát, đánh giá các vấn đề chính sách di cư quốc tế để từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan của Liên hợp quốc về di cư và là đầu mối hỗ trợ các quốc gia triển khai Thỏa thuận GCM, IOM đã và sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này nhằm hoàn thiện chính sách quản lý di cư hiệu quả, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, phòng chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Duy Tiến
.
.
.