Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gửi thông điệp tới Khóa họp lần thứ 77 của UNESCAP

Thứ Ba, 27/04/2021, 13:00
Nhận lời mời của bà A. S. Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Kinh tế-xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), ngày 27/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã gửi thông điệp ghi hình trước tới Khóa họp lần thứ 77 của UNESCAP được tổ chức trực tuyến với chủ đề “Xây dựng lại tốt hơn sau khủng hoảng thông qua hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, thời gian qua, những nỗ lực trong nước và sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế đã giúp Việt Nam cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam cũng đã điều chỉnh chính sách để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, gia tăng chất lượng tăng trưởng để duy trì sản xuất, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tham gia thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng trong và ngoài ASEAN về ứng phó COVID-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác Mekong và thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Liên hợp quốc cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc phối hợp chính sách và hợp tác để triển khai hiệu quả một chiến lược tổng thể ứng phó với đại dịch, bảo đảm tiếp cần công bằng, kịp thời, bình đẳng vắc xin và việc chẩn đoán, điều trị COVID-19. Ngoài ra, các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp độ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai các chiến lược, chính sách phục hồi sau đại dịch phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của mỗi quốc gia. Các nước cũng cần tăng cường hợp tác khu vực về thương mại và đầu tư, du lịch và kinh tế sáng tạo, kết nối, năng lượng, thúc đẩy kinh tế số, xóa bỏ khoảng cách số.

Tham dự Khóa họp năm nay có Tổng thống và Thủ tướng 18 nước, trong đó có Tổng thống Indonesia, Tổng thống Afghanistan, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Pakistan... Trong phát biểu, Lãnh đạo Cấp cao của các nước chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống đại dịch COVID-19, kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, đề nghị UNESCAP tiếp tục vai trò điều phối hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ở cấp khu vực.

Khoá họp 77 của UNESCAP sẽ bế mạc ngày 29/4/2021. Những đóng góp quan trọng của các nước tại Khoá họp, trong đó có Việt Nam, sẽ định hướng chương trình làm việc của UNESCAP trong năm 2021-2022, đặc biệt trong hỗ trợ các quốc gia thành viên trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

UNESCAP là một trong năm Uỷ ban Kinh tế-xã hội cấp khu vực của Liên hợp quốc. Chức năng chính của UNESCAP là cung cấp, hỗ trợ tư vấn chính sách, là cầu nối chia sẻ kinh nghiêm, tri thức của các quốc gia thành viên trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện UNESCAP có 53 quốc gia thành viên, là những nước nằm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

THÔNG ĐIỆP CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH

Tại Khóa họp lần thứ 77 Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

(27/4/2021)

Thưa các Quý vị đại biểu,

Trong ba thập kỷ qua, khu vực chúng ta đã chịu tác động bởi nhiều cú sốc về kinh tế, xã hội, tuy nhiên cú sốc từ đại dịch COVID-19 lần này là chưa từng có tiền lệ. Mặc dù vậy, đại dịch COVID -19 cũng mang đến những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về các cơ hội để tái thiết nhằm phục hồi một cách ổn định, bao trùm và bền vững.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoan nghênh chủ đề của Khóa họp lần thứ 77 năm nay là “Xây dựng lại tốt hơn sau khủng hoảng thông qua hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Trong thời gian qua, nhờ những nỗ lực trong nước và sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam cũng điều chỉnh các chính sách ngắn và dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, gia tăng chất lượng tăng trưởng để duy trì sản xuất, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Việt Nam cũng trở thành một trong những nước đi đầu trong tham gia liên kết kinh tế quốc tế và khu vực. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN và đối tác thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định RCEP, với quy mô 30% GDP toàn cầu, cho thấy quyết tâm của các nước tiếp tục giữ đà hợp tác và liên kết, tạo động lực phục hồi kinh tế khu vực.

Việt Nam cũng thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng trong ASEAN về ứng phó COVID-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực, liên kết nội khối gắn với phát triển bền vững; tham gia đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác Mekong và thúc đẩy việc thông qua Tầm nhìn PEC đến năm 2040.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Thế giới đang đứng trước thời điểm quan trọng khi các quốc gia một mặt phải tiếp tục chống dịch COVID-19, mặt khác cần nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội để tái thiết và phục hồi một cách ổn định, bao trùm và bền vững hơn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cho rằng:

Thứ nhất, LHQ cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc phối hợp chính sách và hợp tác để triển khai hiệu quả một chiến lược tổng thể ứng phó với đại dịch, trong đó coi vắc-xin là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế, bảo đảm tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời vắc-xin cũng như việc chẩn đoán, điều trị COVID-19.

Thứ hai, các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp độ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai các chiến lược, chính sách phục hồi sau đại dịch phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của mỗi quốc gia.

Các chiến lược và chiến sách này cần hướng tới phục hồi bền vững hơn và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các quốc gia cũng cần duy trì cam kết và tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại cho các nước đang phát triển.

Thứ ba, cần tăng cường hợp tác khu vực về thương mại và đầu tư, du lịch và kinh tế sáng tạo, kết nối, năng lượng, cũng như thúc đẩy kinh tế số, xóa bỏ khoảng cách số, hàn gắn những đứt gãy của các chuỗi cung ứng, bảo đảm sự lưu thông liên tục của hàng hóa và chuỗi cung ứng, thúc đẩy các liên kết kinh tế khu vực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế.

ESCAP cần hỗ trợ cao nhất có thể tất cả các nỗ lực này.

Việt Nam tin rằng, thông qua tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, chúng ta có thể cùng nhau chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19 và xây dựng lại tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn.


B.S
.
.
.