Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Phát triển bền vững là trách nhiệm chung của toàn xã hội

Thứ Năm, 05/07/2018, 20:41
Chiều 5/-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018. 



Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội. 

Cùng dự có ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển Bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0", Hội nghị có sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. 

Với hai phiên làm việc, Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn về hạn chế yếu kém cũng như những kiến nghị, đề xuất cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và các vấn đề liên quan của Việt Nam. 

*Vai trò quan trọng của doanh nghiệp 

Năm 2015, Việt Nam cùng với 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030. Với cột mốc lịch sử mang tính bước ngoặt này, phát triển bền vững đã chính thức không còn là câu chuyện của những nước phát triển mà đã trở thành kim chỉ nam và là con đường duy nhất cho sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Với nhận thức sâu sắc đó, Chính phủ Việt Nam đã gấp rút xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Nghị sự 2030 tại Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là việc địa phương hoá các mục tiêu SDGs (V-SDGs) sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. 

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu tham vọng này, cần đến sự tham gia của tất cả các bên trong xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng thông qua hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể là thông qua những giải pháp kinh doanh sáng tạo, có tác động mạnh mẽ, mang tính quy mô, có thể đo lường hiệu quả, có thể nhân rộng và vượt qua khỏi hình thức kinh doanh thông thường. 

*17 mục tiêu của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chủ đề của Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018 gắn liền với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của  Đại hội đồng Liên hợp quốc. “Đây cũng là mục tiêu toàn cầu liên quan tới 17 mục tiêu của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội”.  TS.Vũ Tiến Lộc cho rằng, phát triển bền vững không thể chỉ trong giới hạn lãnh thổ mỗi quốc gia, mà đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia, bằng nỗ lực toàn cầu. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, việc thực hiện các mục tiêu này đặt ra những thách thức như: Sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương; ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;  các yếu tố cấu thành năng lực của các hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam; tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề ô nhiễm môi trường; nguồn lực trong nước hạn chế. 

* 3 trụ cột của phát triển bền vững ở Việt Nam 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm: Bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường. 

Nhấn mạnh vai trò trụ cột kinh tế, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. 

Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một điểm đến hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, khả năng chống chịu của nền kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước đây. 

Nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục, chính sách phân phối hiệu quả tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7%. Việt Nam còn đạt được nhiều thành quả trong phát triển con người dựa trên các trụ cột về giáo dục, y tế và chính sách phúc lợi xã hội. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73, 5 tuổi- thuộc nhóm cao của thế giới. 

Các giá trị văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát triển hài hòa. Điều kiện sống của người dân, cả vật chất lẫn tinh thần đều có tiến bộ, sự thay đổi rõ nét. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.   

Đến nay Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nhìn nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong thực hiện mô hình thành phố bền vững và đây được xem là hình mẫu nhân rộng cho nhiều quốc gia khác. 

* Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm 

Thủ tướng cho rằng, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc  chính là một sự gợi mở về mặt chiến lược để Việt Nam thực hiện chiến lược cải cách và phát triển của mình, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các kế hoạch hành động.   

Cơ bản nhất trí với các báo cáo và kiến nghị, đề xuất về phát triển bền vững tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội. 

Yêu cầu các bộ ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phát triển bền vững là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi cá nhân. Tôi đề nghị chúng ta cùng chung tay thực hiện tốt tất cả các mục tiêu này”. 

Cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững. “Điểm mấu chốt của nhiệm vụ này là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ với 64 nhiệm vụ trọng tâm với 250 chỉ số cần cải thiện, Thủ tướng lưu ý. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, giảm cả chi phí tài chính và thời gian, hướng tới mức trung bình của ASEAN-4 làm nền tảng hướng tới chuẩn mực của OECD. 

Đặc biệt là tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhất là VCCI trong việc phát hiện các rào cản về thể chế pháp luật, nhất là điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm giải trình, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, các tiêu cực, nhũng nhiễu.

“Chính phủ cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản và ý tưởng sáng tạo. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm vun đắp, khuyến khích và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, thanh niên nông thôn”, Thủ tướng nói. 

Nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục - chìa khóa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ mở cánh cửa tri thức, tạo ra các cơ hội làm chủ tương lai tươi sáng của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người dân, cam kết không ai bị bỏ lại do thiếu các cơ hội học tập. 

Đánh giá cao Ngân hàng Thế giới có báo cáo khách quan, khá toàn diện về Tương lai việc làm Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu để nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, đặc biệt là các khuyến nghị về tạo việc làm tốt trong nền kinh tế hiện đại, nâng cao chất lượng việc làm trong nền kinh tế truyền thống và kết nối người lao động có trình độ với những việc làm phù hợp.

PV
.
.
.