Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng:

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

Chủ Nhật, 04/10/2015, 08:14
Đã có hơn 30 ngàn cán bộ, đảng viên tham gia đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng...

Thực hiện Thông báo kết luận số 194-TB/TW ngày 5/2/2015 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 46-HD/VPTW ngày 9/2/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng về thảo luận các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc tổ chức nghiên cứu, thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Đến nay, 20/20 Đảng bộ trực thuộc đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Theo báo cáo tổng hợp, đã có hơn 30 ngàn cán bộ, đảng viên tham gia đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Việc thảo luận, góp ý kiến tại đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ diễn ra dân chủ, sôi nổi, có chất lượng.

Hầu hết ý kiến đều thống nhất đánh giá dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng được chuẩn bị chu đáo, công phu, bố cục hợp lý, nội dung ngắn gọn, súc tích, có tính khái quát cao, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thông qua thảo luận, đóng góp ý kiến, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng...

Các ý kiến đều nhất trí với đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và thống nhất với nhận định “5 năm qua đã đạt được những thành quả quan trọng”; “Nhìn tổng thể qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

Trong lĩnh vực tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đa số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế” vào mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh như sau: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền...”.

Vì thực tế đã chứng minh vai trò to lớn của công tác đối ngoại trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền. Trong những năm tới, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của công tác này. Nhiều ý kiến cho rằng, trong kỳ Đại hội lần thứ XII lần này, do tình hình tranh chấp biển, đảo diễn ra phức tạp, vấn đề quốc phòng được nhân dân ta và các nước quan tâm hơn rất nhiều các kỳ đại hội trước.

Vì vậy, Đảng cần có thái độ kiên quyết, rõ ràng hơn về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền trong báo cáo chính trị, để khích lệ hơn nữa lòng yêu nước, hào khí của nhân dân và giữ vững vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đề nghị bổ sung và sửa lại như sau: “Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động gây hấn, xâm lược, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động”. Nội dung này cũng đã được nêu trong Diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “kịp thời, có hiệu quả” vào nội dung “ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái” và sửa lại là: “ngăn chặn, phản bác kịp thời, có hiệu quả những thông tin và luận điệu sai trái, thù địch”. Đồng thời cần nêu cụ thể các mối đe dọa an ninh phi truyền thống nổi lên trong thời gian tới vì nội hàm khái niệm “an ninh phi truyền thống” có phạm vi rộng, việc sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa này rất khó thực hiện nếu không được xác định rõ.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ: “Đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy của lực lượng vũ trang nhân dân theo hướng tinh gọn, hiện đại, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới”.  

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.