Ông Võ Trọng Việt: Nhiều doanh nghiệp èo ọt nhưng hồ sơ đấu giá rất hoành tráng

Thứ Tư, 14/09/2016, 16:04
“Thực tế lâu nay nhiều doanh nghiệp èo ọt nhưng hồ sơ rất hoành tráng. Đấu thầu, đấu giá xong rồi thì nhiều công ty “ma”. Ai kiểm soát chất lượng, ai chịu trách nhiệm cái này?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh.


Chiều nay, 14-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, tiêu cực, kẽ hở trong đấu thầu, đấu giá tài sản là vấn đề đang nhức nhối trong xã hội, cần phải tính toán. “Đơn giản như mình đấu giá làm từ thiện thủ tục đơn giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả cao. Trong khi đó đấu giá tài sản thủ tục nhiêu khê, trình tự rườm rà, tiêu cực nhiều và hiệu quả thấp”, ông nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thảo luận tại phiên họp chiều nay, 14-9

Ông đề nghị 4 vấn đề. Thứ nhất, doanh nghiệp khai gian và cơ quan có thẩm quyền xác định không đúng năng lực doanh nghiệp thì phải cấm và xử lý nghiêm minh. “Thực tế lâu nay nhiều doanh nghiệp èo ọt nhưng hồ sơ rất hoành tráng. Đấu thầu, đấu giá xong rồi thì nhiều công ty “ma”. Ai kiểm soát chất lượng, ai chịu trách nhiệm cái này?”, đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai, theo ông phải quy định thế nào để trong đấu thầu, đấu giá tài sản chống được việc dàn xếp trong quá trình thực hiện. “Nhiều khi luật bất thành văn nghiêm hơn luật của ta. Có luật “làm ăn”, luật “giang hồ”, luật “xã hội” có khi còn chặt chẽ, nghiêm túc hơn luật chính thống. Chúng tôi cũng từng làm chủ đầu tư rồi, lỗ hổng để lợi dụng rất lớn, nhân dân rất bức xúc”, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh lo ngại.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hoà bổ sung: “Việc đấu giá tài sản cần tránh trường hợp “quân xanh quân đỏ”, tránh dìm giá. Ai đấu giá cũng phải bảo đảm sự bình đẳng”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cũng đề xuất thiết kế, nghiên cứu kỹ để người tham gia đấu giá tài sản và đấu thầu nghĩ đến lợi ích đất nước trên hết và muốn lợi dụng cũng không được. Đại biểu lưu ý: “Tránh trường hợp nhiều vụ việc đấu giá gây râm ran, tâm tư nhưng thanh tra không làm được gì, tảng băng lạnh cứ triền miên như thế…”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Về trung tâm đấu giá tài sản, theo ông cần phải nghiên cứu kỹ lại. “Tiêu chí, mục đích là thị trường nhưng bộ máy, tư duy lại theo lối bao cấp, vừa nhiêu khê, hạch sách vừa tính lợi nhuận của mình lên trên hết, rất khổ cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá”, ông nhận định, đồng thời đề nghị phải nhiên cứu mô hình trung tâm đấu giá theo hình thức tổ chức doanh nghiệp.

Thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất nên nghiên cứu, quy định phương thức chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp của các trung tâm này như thế nào, hay là chấm dứt hoạt động của các trung tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc duy trì các trung tâm đấu giá là vấn đề đang chuyển tiếp, đề nghị phải có quy định, thiết kế trong luật để tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu như Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu.

Chủ trì phiên thảo luận, đồng chí Phùng Quốc Hiển yêu cầu ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh, rà soát lại một số quy định trong dự án luật. “UBTVQH giao Uỷ ban Kinh tế chủ trì, cùng Bộ Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật hoàn chỉnh dự án luật này theo tinh thần của Thường vụ nêu ý kiến hôm nay, hoàn chỉnh báo cáo giải trình gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 20-9. Chậm nhất ngày 5-10 thu kết quả về, xin ý kiến Thường vụ Quốc hội rồi mới báo cáo ra Quốc hội”, ông kết luận.

Q.Vinh
.
.
.