Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Nội dung quyền con người cần được làm rõ hơn

Thứ Năm, 24/01/2013, 14:27
Sau Tuyên ngôn Độc lập, năm 1945 cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, khi Nhà nước ta gia nhập một số Công ước quốc tế về quyền con người (QCN) khái niệm này mới chính thức đưa vào văn kiện của Nhà nước. Nói chung đối với xã hội ta khái niệm này còn mới, nên trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của giới khoa học, báo chí, truyền thông cần làm rõ khái niệm này trong dịp toàn dân tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Dựa trên các văn kiện cơ bản của Liên hợp quốc, trong đó có Bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, năm 1948 và các Công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là hai Công ước, “Công ước quốc tế về các quyền dân sự”, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”, năm 1966 có thể hiểu QCN như sau: QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc tế và luật quốc gia) nhằm bảo vệ và thực hiện các nhu cầu vật chất và tinh thần của tất cả mọi người về các mặt: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trong Hiến pháp năm 1992, QCN đặt ở Chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Như vậy là về mặt logic, ở Hiến pháp 1992, khái niệm QCN đồng nhất hoặc nằm trong khái niệm quyền công dân. Dự thảo lần này QCN đặt ở Chương II, ngay sau Chương I, “Chế độ chính trị”. Tiêu đề Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong tiêu đề trên, tuy khái niệm QCN không đồng nhất và nằm trong khái niệm quyền công dân (như Hiến pháp 1992), nhưng lại được “lồng ghép” với khái niệm quyền và nghĩa vụ công dân. Điều này cần được làm rõ.

Trước hết việc Dự thảo đặt QCN ở Chương II là một bước tiến mới, thể hiện nhận thức mới về tầm quan trọng của QCN và quyền công dân so với Hiến pháp 1992. Thứ hai, cần làm rõ khái niệm QCN trong văn bản Dự thảo về một số phương diện sau:- Quyền con người là quyền của tất cả mọi người. Như vậy là khái niệm QCN rộng hơn khái niệm quyền công dân, (là quyền của một thành viên của một quốc gia nhất định, được xác định bởi chế định quốc tịch). Điều này có nghĩa QCN không chỉ là quyền của công dân Việt Nam mà còn của người nước ngoài đang hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thuộc thẩm quyền pháp lý của nhà nước Việt Nam. Khái niệm QCN còn rộng hơn khái niệm quyền công dân ở một phương diện khác, đó là những người đã bị tước một phần nào đó quyền công dân (như quyền tự do cư trú, quyền bầu cử, ứng cử do đang chấp hành một quyết định một bản án đã có hiệu lực…) hoặc những người mất năng lực hành vi dân sự (chẳng hạn người mắc bệnh tâm thần…) thì họ vẫn còn QCN.

Thứ ba, về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân. Nói đến pháp luật về QCN là nói đến sự điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân. Trong đó người dân là chủ thể của quyền; Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (thực hiện) quyền con người của người dân. Về mối quan hệ giữa chủ thể quyền và trách nhiệm bảo đảm quyền trong chế độ ta có lẽ không ai nói hay và chính xác hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Thứ tư, cần có một Điều quy định về “nhóm xã hội dễ bị tổn thương”.

Nói đến QCN là nói đến tinh thần nhân đạo, khoan dung. Ở nước ta cũng như các nước nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương, như trẻ em, nữ giới, người mắc bệnh tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, thường được xã hội quan tâm giúp đỡ, bảo vệ.  Bởi vậy Hiến pháp sửa đổi lần này cần có quy định bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương. Chẳng hạn có thể bổ sung một điều (ở Chương II) với nội dung như sau: “Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và giúp đỡ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương“.

Về mặt văn bản cần biên tập chính xác hơn khái niệm QCN, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với QCN, chẳng hạn như: Trong Điều 15.1 Dự thảo có đoạn viết: “quyền con người … được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm…”. Viết như vậy là chưa chính xác. Như trên đã nói, QCN là cái vốn có, nó không phụ thuộc vào việc có thừa nhận hay không thừa nhận.  Bởi vậy nên bỏ khái niệm thừa nhận. Điều 16.2, Chương II, Dự thảo viết: “Không được lợi dụng quyền con người, …”. Ở đây khái niệm “không được lợi dụng QCN…” không rõ. Bởi vậy có thể viết đơn giản và dễ hiểu hơn, như sau: “Trong khi hưởng thụ quyền của mình, mọi người không được xâm phạm lợi ích quốc gia,  quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.  Điều 29. 2, Chương II Dự thảo viết: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội…”. Viết như vậy vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ “xin –cho”, không thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước. Bởi vậy có thể viết như sau: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội…”. Viết như vậy có nghĩa Nhà nước “phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm” quyền này… chứ không phải là có “tạo điều kiện” hay không “tạo điều kiện” tùy thuộc ở Nhà nước!

Đối với dân tộc ta QCN không phải là thành quả của cách mạng dân chủ tư sản, cũng không phải do “mẫu quốc khai hóa”, mà là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trong dịp sửa đổi Hiến pháp lần này chúng ta cần kế thừa những thành quả đổi mới tư duy lý luận của Đảng, và những ý kiến đóng góp của nhân dân, đồng thời kế thừa có chọn lọc những thành quả nhận thức và pháp lý về QCN của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm

C.Đ.T.
.
.
.