“Nỗi đau” của nhà khoa học

Thứ Sáu, 17/05/2013, 00:10
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, trong buổi Hội thảo vừa được tổ chức vào sáng 14/5 về kinh doanh trong lĩnh vực đồ uống, đã chia sẻ một câu chuyện. Ông đi công tác nước ngoài, thấy cơ man nào là các loại đồ uống đóng hộp giấy ngon, bổ, rẻ.

Nào là nước chè đậu đen, nước chanh leo, nước đào, nước dừa, nước mơ, nước ổi, nước cà chua, nước trà… toàn là những nguyên liệu chúng ta có sẵn, tiêu thụ không hết. Ông nhìn những loại đồ uống đó, nhớ đến người nông dân Việt Nam một nắng hai sương trồng cấy, năm nào có người thu mua thì được một chút nở mày nở mặt; năm nào ế thì thối rụng gốc không ai buồn nhặt; trong khi đó ông muốn uống một thứ nước tươi, đảm bảo sức khỏe, cũng không phải dễ tìm. Sao lại oái oăm thế, vẫn cảnh thiếu “tinh”, thừa “thô”?!

“Tháng 7 tới là mùa vải rồi. Người nông dân đang chặt bớt vải, bởi vì có những năm chính vụ chỉ có 2000 đồng/kg. Ở những khu vực xa đường cái, vải rụng đầy vườn không ai buồn hái. Lên đến cửa khẩu Lào Cai còn đau lòng hơn nữa. Vải chở đến buổi sáng thì họ mua, buổi chiều họ lấy lý do không vận chuyển kịp, trả một nửa giá. Tôi đã có dịp được gặp ông Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông bảo chưa bao giờ nông dân sướng như bây giờ, mỗi hộ thu được hàng tỷ đồng tiền thanh long. Thế mà chỉ 1 năm sau, người ta không thu mua ồ ạt nữa, thanh long mang cho bò ăn, mà đến con bò chán quá nó cũng chả buồn ăn. Đó là cái đau đớn của nhà khoa học”, nhìn những giá trị trong tầm tay, bị biến thành rác rưởi – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Với các nguyên liệu có sẵn đó, chúng ta hiện chỉ chế biến thành đồ uống “vỉa hè” như những loại sinh tố, những cốc nước mía bán dọc đường, trong quán café. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết đã phân tích thử nước mía, dù pha loãng 1000 lần rồi vẫn đếm không nổi số vi khuẩn. “Có 3 sinh viên nước ngoài ở trường tôi uống chung 1 cốc nước mía, đau bụng nhập viện cả ba, dù chúng ta uống không sao cả. Chúng ta có ưu điểm là tính miễn dịch cao. Nói thì thế, nhưng những đồ uống đó đều là không tốt cho sức khỏe”. Ở Việt Nam, có những mùa, những vùng trái cây thối đổ đống vứt đi. Và ở Việt Nam cũng có những đứa trẻ ngoài những quả dại vườn nhà, suốt cả mùa không biết đến trái cây, thiếu vitamin, thiếu dinh dưỡng.

Vậy thì nguyên nhân là vì đâu? Vì chúng ta thiếu một sách lược đầu tư làm đồ uống “made in Việt Nam”. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, nếu suôn sẻ, có thể giấc mơ “nước vải Việt Nam” có thể thành sự thật, mà cùng với đó, người dân sẽ không phải đau đớn nhìn vải rụng vườn nhà. Mới đây, ông đã cùng một Việt kiều Nhật Bản là ông Ngô Hùng Lâm về Bắc Giang, thử ngâm vải bằng chum, 1 cân vải, 1 cân đường – cách truyền thống mà nhiều bà nội trợ vẫn làm để làm nước quả cho gia đình ăn. Dưới áp suất thẩm thấu của đường, nước vải tiết hết ra ngoài, thành một thứ dung dịch rất ngon, thoải mái bảo quản.

Mùa vải này, ông Ngô Hùng Lâm đã quyết định ứng trước cho Bắc Giang 20.000 USD để người dân mua chum, mua đường, làm thử nước vải. Chỉ cần qua được cửa Hải quan Nhật Bản, một giấc mơ sẽ thành hình. Tuy nhiên, dù có thành công thì đó cũng chỉ là một giấc mơ đơn lẻ, Bắc Giang cũng chỉ là một vùng, và vải cũng chỉ là một loại trái cây. Còn hàng trăm vùng nông sản khác, trăm loại trái cây khác vẫn phập phù “mùa cười, mùa khóc” chờ đợi một chiến lược hợp lý cho tương lai

Vũ Hân
.
.
.