Đang giao lưu trực tuyến:

Những tiện ích khi bỏ sổ hộ khẩu giấy và dùng căn cước gắn chip?

Thứ Năm, 17/06/2021, 09:59
Thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip có bị theo dõi, giám sát? Dùng thẻ mới và bỏ sổ hộ khẩu giấy có ảnh hưởng gì đến các thủ tục liên quan?... Mời bạn gửi câu hỏi đến đại diện Bộ Công an để được giải đáp thông qua tuoitre.vn.


Bắt đầu từ ngày 1/7/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an triển khai) sẽ được kết nối, chia sẻ với dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, lĩnh vực.

Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Công an đã đi đầu với việc triển khai cùng lúc 2 dự án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

9h sáng 17/6, hai lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an sẽ giao lưu, giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về CCCD gắn chip và bỏ sổ hộ khẩu giấy, trên tuoitre.vn

Triển khai 2 dự án này trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an từ Trung ương đến địa phương đã không quản ngày đêm để hoàn thành việc xây dựng 2 dự án.

Vậy, thẻ CCCD gắn chip và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có gì khác biệt, nổi trội khiến lực lượng công an phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành trong thời gian qua?

Được sự hỗ trợ của Bộ Công an, Báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Những tiện ích của căn cước công dân gắn chip và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" tại địa chỉ tuoitre.vn, từ 9h-11h sáng 17/6, với sự tham dự của hai khách mời: Đại tá Ngô Như Cường, Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an; Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an).

Hai khách mời sẽ giải đáp chi tiết về tất cả những vấn đề liên quan đến thẻ căn cước công dân mới (gắn chip), về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và những vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như: tiện ích, những tác động và ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp? Thẻ căn cước mới có gắn chip thì có bị theo dõi, giám sát? Làm sao phát huy hiệu quả 2 dự án này?

Đại tá Ngô Như Cường - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trung tá Vũ Hoàng Đạt - Ảnh: VIỆT DŨNG

Cục Cảnh sát giao thông: Việc kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia giúp phục vụ nhân dân tốt hơn.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động đã và sẽ có những tiện ích, tạo thuận lợi như thế nào cho người dân trong việc đăng ký, quản lý phương tiện, giải quyết tai nạn giao thông?

+Trung tá Vương Ngọc Bắc, Phó trưởng Phòng Tham mưu, phụ trách Trung tâm Thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông:

Cục Cảnh sát giao thông là đơn vị đầu tiên được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 3 lĩnh vực nghiệp vụ là Xử phạt vi phạm hành chính và Đăng ký quản lý phương tiện, Tai nạn giao thông. Việc kết nối tạo ra dữ liệu sống của người tham gia giao thông và chủ phương tiện giao thông phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, cụ thể là:

1. Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân, do vậy việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại hiệu quả rõ rệt, thông tin người dân sẽ đảm bảo chính xác về họ tên, ngày tháng, năm sinh, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại; đặc biệt là dữ liệu nơi ở hiện tại được cập nhật giúp cho công tác xác minh địa chỉ của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện được chính xác, phục vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân: vi phạm TTATGT, xác minh truy tìm các trường hợp tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật khác; mặt khác việc kết nối dữ liệu nghiệp vụ ngành Công an (đơn vị quản lý hồ sơ nghiệp vụ, các đơn vị khác...) giúp lực lượng Cảnh sát giao thông nắm được thực trạng thông tin về đối tượng cần lưu ý quan tâm để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác của ngành Công an.

2. Cơ chế chia sẻ dữ liệu là xu hướng chung của thế giới hiện nay, việc kết nối chia sẻ dữ liệu rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhân dân tốt hơn.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT giúp lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện tốt nhất trong các mặt công tác.

Các đại biểu tham gia buổi Giao lưu trực tuyến.

Lợi ích của thẻ CCCD gắn chíp

Tại buổi giao lưu, bạn đọc Nguyễn Việt Dũng đặt câu hỏi, được biết từ 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào hoạt động, vậy lợi ích của việc này là gì? Người dân đi thực hiện thủ tục hành chính sẽ được giảm bớt các loại giấy tờ, thủ tục gì?

Đại tá Ngô Như Cường:  Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...).

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.... để thực hiện các giao dịch hành chính.

Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH trả lời câu hỏi.

Bạn đọc Mai Hường đặt câu hỏi: Dùng thẻ CCCD gắn chip điện tử người dân có những lợi ích nào ạ?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Thẻ CCCD có số định danh cá nhân của công dân sẽ thay thế Sổ hộ khẩu trong việc thực hiện giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức. Chíp điện tử, mã QR code trong CCCD có chứa số CMND, người dân không phải xin xác nhận CMND 9 số trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức. Trên thẻ CCCD gắn chíp được in song ngữ, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh rất thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch chung và giao lưu hội nhập trong khu vực và quốc tế.

Mã QR code trên thẻ CCCD mới cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần cung cấp, thuận tiện khi các dịch vụ chính phủ điện tử, ngân hàng viễn thông cho phép thực hiện được trực tuyến từ xa thông qua điện thoại di động, máy tính, không cần phải đến tận nơi để giao dịch do có thể xác thực CCCD điện tử cũng như xác thực sinh trắc học từ xa.

Bạn đọc Hoang Ha hỏi, CMND cũ có dùng được không vì bây giờ chúng tôi phải đi làm lại passport, ngân hàng, thuế , giấy tờ đất vì sợ sau này bán không được vì thông tin không khớp...

Đại tá Ngô Như Cường: Thẻ CCCD mới có chip điện tử và mã QR Code trong đó có thông tin về số CMND cũ của công dân. Theo quy định, công dân có thể sử dụng thông tin CMND 9 số này trong các giao dịch với các cơ quan tổ chức.

Thẻ CCCD bảo mật như thế nào?

Bạn đọc Ngọc hỏi:  Vài tháng trước có vụ rò rỉ thông tin cá nhân. Vậy Ssau khi số hóa thông tin liên quan đến cư dân thì hệ thống quản lý mới có biện pháp gì để đảm bảo những thông tin đó không bị hack, rao bán, sử dụng mục đích trái phép?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng, quản lý được bảo mật ở mức độ an toàn cao nhất. Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư được các đơn vị nghiệp vụ và Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra thường xuyên, đảm bảo không thể bị xâm nhập bởi các mối nguy hại từ bên ngoài. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật dữ liệu thông tin dân cư của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để tránh việc đánh cắp, lợi dụng thông tin, đối với người dân khi sử dụng dữ liệu của mình cần chủ động hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ Mail, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình, người thân, số CMND/CCCD…) trên mạng xã hội. Trong các trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần phải xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, đồng thời có yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức đó phải đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của mình.

Các đại biểu trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để có biện pháp quản lý và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Thẻ CCCD gắn chíp có ứng dụng sinh trắc học dùng để xác thực công dân với mức độ an toàn cao. Không bị lợi dụng danh tính khi bị mất thẻ CCCD cũng như bị làm giả thẻ CCCD vì mức độ bảo mật cũng như chống làm giả của thẻ CCCD gắn chíp rất cao.

Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an).
Có CCCD thì có phải sử dụng giấy khai sinh và các giấy tờ khác hay không?

Tại buổi giao lưu, rất nhiều bạn đọc quan tâm đến việc bỏ hộ khẩu giấy và những vấn đề phát sinh khi bỏ loại hình quản lý công dân trong thời gian qua.

Bạn đọc Minh Việt và Lê Đình Sử hỏi, theo Luật Cư trú năm 2020, việc quản lý dân cư sẽ thay thế từ Sổ hộ khẩu giấy sang dữ liệu điện tử. Vậy khi nào sẽ chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy? Khi có thẻ CCCD gắn chip thì có còn phải sử dụng đến hộ khẩu, giấy khai sinh nữa không, giấy tờ trên còn phải giữ lại không?

Đại tá Ngô Như Cường: Theo quy định của Luật Cư trú thì từ ngày 1-7-2021, cơ quan Công an sẽ không cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Bạn đọc Hoàng Thanh Lộc, ở Đà Nẵng hỏi,
sau 1-7 công dân thực hiện các giao dịch mua bán nhà đất... xác nhận các loại giấy tờ tại UBND, công an, cho con đi học...người dân có còn phải mang theo sổ hộ khẩu, kết hôn... để xuất trình không?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...).

Khi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng số định danh cá nhân và các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm căn cứ giải quyết các thủ tục hành chính, công dân không cần xuất trình các giấy tờ chứng minh nhân thân.

Bạn đọc Phạm Thị Dự hỏi:
 Với việc đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động, người dân có thể chỉ cần sử dụng CCCD thay thế cho các loại giấy tờ khác như BHYT, giấy phép lái xe… hay không?

Đại tá Ngô Như Cường cho biết: Với việc đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động, cùng với việc cấp thẻ CCCD có gắn chip điện tử, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để tích hợp nhiều trường thông tin của công dân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe… vào trong chip điện tử trên thẻ CCCD, khi đó các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lộ trình để người dân có thể chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay thế cho các loại giấy tờ khác

Bạn đọc Tiến Trọng hỏi: Nếu mất CMND khi chưa cấp CCCD, đi giao dịch nhà đất, ngân hàng không chấp thuận, nhà nước và Bộ công an làm gì để hỗ trợ người dân làm các giấy tờ tùy thân sớm nhất?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Chip điện tử, mã QR code trong CCCD có chứa số CMND, người dân không phải xin xác nhận CMND 9 số trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức. Mã QR code trên thẻ CCCD mới cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần cung cấp, thuận tiện khi thực hiện các giao dịch hành chính.

Buổi giao lưu trực tuyến "Những tiện ích của CCCD gắn chip và hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" do Báo Tuổi Trẻ và Bộ Công an phối hợp tổ chức nhận được hơn 400 thắc mắc của người dân gửi đến. Tuy nhiên do thời gian có hạn, chương trình không thể giải đáp được tất cả, đại diện Bộ Công an đã chọn và giải đáp những vấn đề là băn khoăn chung của nhiều người dân. Những câu hỏi còn lại, chúng tôi sẽ tổng hợp chuyển Bộ Công an giải đáp vào thời điểm thích hợp và tiếp tục đăng tải. Xin cảm ơn bạn đọc!


Phương Thuỷ- Nguyễn Thắng
.
.
.