Những thành tựu quan trọng về xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ khóa XI

Thứ Tư, 20/01/2016, 08:01
Trong nhiệm kỳ khóa XI (2010-2015), Đảng tiếp tục chủ trương đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng nhìn lại 5 năm qua đã khẳng định công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Một là, Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là thành quả quan trọng với bước phát triển mới trong xây dựng Đảng về chính trị. Cương lĩnh đã làm rõ hơn nhận thức và thực tiễn mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với 8 đặc trưng cơ bản vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cương lĩnh nhấn mạnh những phương hướng cơ bản và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn. Nhiều vấn đề của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được làm rõ, nhất là nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về dân chủ xã hội chủ nghĩa và về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong đường lối đổi mới, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện các đột phá chiến lược. Đó là kết quả của quá trình tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nhất là tổng kết 30 năm đổi mới được triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc.

Hai là, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (1-2012) đã ban hành Nghị quyết Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Có thể thấy rõ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chi phối toàn bộ công tác xây dựng Đảng trong suốt nhiệm kỳ và còn có ý nghĩa lâu dài. Nghị quyết Trung ương 4 nêu rõ ba vấn đề cấp bách, trong đó trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.

Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với 4 nhóm giải pháp trong đó giải pháp hàng đầu là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, “đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, đưa tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên trong Đảng”. Đến tháng 12-2014, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật với các hình thức khác nhau đối với 54.000 cán bộ, đảng viên. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã đưa ra xử lý nghiêm minh. Trước thềm Đại hội XII, Bộ Chính trị chỉ đạo đưa ra xét xử 8 vụ án tham nhũng lớn. Công tác kiểm tra Đảng và thanh tra Chính phủ được tăng cường và công khai nhiều vụ việc. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong các chuyên án chống tham nhũng. Hội nghị Trung ương 13 khóa XI (12-2015) đã có nội dung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Ba là, lần đầu tiên thực hiện quy hoạch cán bộ ở cấp chiến lược với quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, có trách nhiệm cao. Các đồng chí được đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đã được giới thiệu, lựa chọn và lấy phiếu tín nhiệm từ các địa phương, các ngành, đơn vị công tác. Khi đã vào diện quy hoạch phải theo học các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp. Bộ Chính trị đã chỉ đạo từ năm 2013 đến 2015 mở 6 lớp với hơn 500 đồng chí. Tiêu chuẩn lựa chọn vào Trung ương đã được xác định rõ, nhất là tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (5-2015). Danh sách đề cử vào Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) được Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 12 (10-2015) bỏ phiếu. Tương tự như vậy việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ lãnh đạo ở các cấp được thực hiện nghiêm túc và gắn liền với mở các lớp dự nguồn ở địa phương.

Việc thực hiện quy hoạch, lựa chọn cán bộ lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược là thành công rất quan trọng về xây dựng Đảng xuất phát từ nhận thức, nếu coi xây dựng Đảng là then chốt, thì vấn đề then chốt trong xây dựng Đảng chính là công tác cán bộ, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03 (14-5-2011) tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là nội dung sinh hoạt chính trị rất quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn trong xây dựng Đảng và tác động tích cực tới toàn xã hội. Từ thực tiễn xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng nhận thức rõ hơn vai trò của đạo đức cách mạng. Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác vì đó là điều kiện để các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Đó là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã đặt xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo.

Dù còn những khuyết điểm, yếu kém, tệ tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, song từ kết quả toàn diện về xây dựng Đảng, văn kiện trình Đại hội XII vẫn khẳng định: “Đảng ta giữ được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
.
.
.