Những luận điệu vô ơn

Thứ Ba, 14/12/2004, 08:55
"Cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua thực sự là vô nghĩa với cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ... Người Mỹ xông trận ở Việt Nam không phải vì lòng tham xâm chiếm lãnh thổ, cũng không phải vì muốn đô hộ nhân dân ta...". Tác giả của những lời đó là một người Việt xưng danh là Nguyễn Thanh Giang.

Ông Giang đã phát tán những thông tin lên Internet trong kiến nghị gửi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Trong đời sống dân chủ cởi mở của xã hội ta hiện nay, một công dân như ông Nguyễn Thanh Giang hay bất cứ người dân nào gửi kiến nghị để góp ý và hiến kế về quốc kế dân sinh, âu cũng là điều bình thường đáng quý. Nhất là khi đất nước đang gặp khó khăn nhiều bề trong phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập giao lưu để phát triển trong độc lập, tự chủ.

Tuy nhiên chỉ đọc vài dòng trong “bản kiến nghị” của ông Giang, những người có lương tri đều cảm thấy phẫn nộ. Tưởng như những quan điểm xa lạ này, lâu nay chúng ta thường chỉ được nghe từ phía những nhân vật triết gia tư sản hiếu chiến, những kẻ gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam nhằm ngụy biện cho ý đồ xấu xa, đê tiện, bẩn thỉu của kẻ xâm lược, trốn tránh tội ác. Không ai có thể ngờ đây là suy nghĩ của một công dân Việt Nam.

Chỉ cách đây không lâu, GS, TS Nguyễn Văn Tuấn công bố rằng, trong thời gian từ năm 1962-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 77 triệu lít chất độc da cam xuống miền Nam và Trung Việt Nam, gây ảnh hưởng và tác hại nghiêm trọng đến môi trường của 263 triệu ha và gần 5 triệu người sống ở các vùng dân cư, thôn, ấp...

Do vậy, không thể nói là không ác hiểm, nhẫn tâm khi những dòng tin của ông Nguyễn Thanh Giang được tung ra trong thời điểm hàng vạn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ruột thịt đang kiện các nhà máy của Mỹ sản xuất chất độc dioxin sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc chiến mà ông Giang cho là “vô nghĩa”, những thùng chất độc da cam của phía Mỹ đã gây bao đau thương tang tóc cho hàng triệu người dân nước ta. Thậm chí, dẫu chiến tranh đã kết thúc gần 30 năm, nhưng hậu quả đau xót còn để lại cho thế hệ sau thật vô cùng nặng nề.

Vậy tại sao, một công dân như ông Giang - người đang hít thở không khí Hà Nội, uống nguồn nước Hà Nội, nhận đồng lương hưu công chức của Nhà nước Việt Nam lại dành cho mình cái quyền vô đạo đức phán xét, ngụy biện về cuộc chiến tranh hòng "chạy tội" cho kẻ ngoại xâm?

Chúng tôi đã tìm đến địa chỉ mà ông Giang ghi công khai trên mạng. Đó là một công dân Việt Nam hiện đang sống trong một ngôi nhà khá giả tại khu tập thể Địa vật lý máy bay thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Theo thông tin mà chúng tôi có được, ông Nguyễn Thanh Giang (SN 1936, sinh tại Thanh Hóa). Ông Giang có trình độ tiến sĩ về địa - vật lý.

Một số người thân trong dòng tộc của ông Nguyễn Thanh Giang cho chúng tôi biết cũng do chiến tranh mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra, đất nước bị chia cắt, năm 1954, bố ông Giang là cụ Nguyễn Như Bá đã đưa vợ và 3 người con tìm đường di cư vào Nam, để lại 2 mẹ con ông bơ vơ giữa đất nghèo...

Thế nhưng, mẹ ông từ thân phận của người nô lệ và lệ thuộc đã nhờ cách mạng để quyết chí, bấm chí nuôi đứa con trai duy nhất ăn học mong trở thành người, vươn lên thay đổi hoàn cảnh xuất thân tội nghiệp một thời của 2 mẹ con. Chống Pháp rồi chống Mỹ, trong khi hàng vạn, hàng triệu lớp lớp thanh niên Việt Nam tình nguyện ra chiến trường cầm súng chiến đấu giữ nước, bảo vệ Tổ quốc thì may mắn làm sao, ông Giang vẫn được giữ lại hậu phương đi học. Bạn bè thân của ông cũng chưa bao giờ từng nghe ông tâm sự vì sao những ngày chiến tranh vệ quốc ấy, ông không cầm súng ra chiến trường.

Có lẽ ông là con một, mà chính quyền địa phương và lãnh đạo cơ quan nơi công tác đã thực hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Một người ruột thịt bề trên của ông Giang từng kể với nhiều người, ông Giang thừa biết do chiến tranh mà gia đình ông lưu lạc. Bố ông là cụ Nguyễn Như Bá  cùng vợ và 3 con sau khi vào Nam thì sang Mỹ làm kế toán cho Hãng Lother Wood ở Washington; cũng nhờ chiến thắng Mùa xuân năm 1975 mà cụ Bá do già yếu đã được Nhà nước ta cho về Việt Nam sống những năm cuối đời cùng ông Giang ở Hà Nội.

Có cựu chiến binh tâm sự rằng, họ không thể bình tĩnh được, không thể ngồi yên được khi bất ngờ nghe được ông Nguyễn Thanh Giang nói như thế này: "Chúng ta đánh Mỹ vô cùng gian nan chẳng qua chỉ vì một thứ ý thức hệ hoang đường... Không phải chúng ta nên quên mà nên dứt khoát từ biệt quá khứ cuồng dại đó". Đó phải chăng là khẩu khí của một kẻ vong ơn bội nghĩa, sự xúc phạm ghê gớm đến những điều thiêng liêng nhất của dân tộc, xúc phạm đến hàng triệu anh linh của những người con ưu tú của đất nước đã chiến đấu và hi sinh vĩnh viễn không bao giờ trở về quê mẹ, nơi sinh ra mình.

Có lẽ vì thế mà chúng tôi hoàn toàn hiểu được sự nổi giận của ông Cao Mạnh Cảnh cùng anh em cựu chiến binh, thương binh đang sống và làm việc ở tỉnh Hòa Bình. Trong bức thư gửi Báo CAND, các ông đã nhắn gửi ông Giang rằng: "Chúng tôi ở mảnh đất đồi núi Hòa Bình mặc dù xa thành phố, nhưng là những người đã trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu ở các chiến trường, không sợ gian khổ, không tiếc tuổi thanh xuân, mồ hôi và xương máu để chiến đấu giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến nay, chúng tôi thấy ở Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung, kinh tế xã hội ngày càng đổi mới và phát triển nhảy vọt. Vậy ông là người thế nào? Mặt vuông hay "tam giác" mà nhận thức như thế? Có phải vì mục đích cá nhân, vì vật chất...".

Ông Vũ Hùng ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã viết thư cho chúng tôi và cũng không kìm được sự giận dữ khi nhắc tới ông Giang: "Đọc những dòng chữ này, tôi và rất nhiều cựu chiến binh tham gia chống Mỹ muốn gặp ông Nguyễn Thanh Giang để hỏi: "Ông đã ăn cái gì của đế quốc mà dám lớn tiếng phủ nhận công lao của hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất cha ông mà Nguyễn Thanh Giang và vợ con ông đang sống.

Ông đã xúc phạm tới linh hồn của biết bao liệt sĩ và nhân phẩm của thương binh và cựu chiến binh Việt Nam đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc để đánh Mỹ, đuổi Mỹ ra khỏi đất nước và họ đã phải đổi lấy bằng máu và nước mắt, nhưng lại cho rằng họ đã vì một ý thức hệ hoang đường?

Tôi xin đại diện cho một số thương binh, cựu chiến binh ở nơi cư trú cảnh báo cho biết là ông đã đi quá xa và khuyên ông hãy sớm tỉnh ngộ khi còn chưa quá muộn...".

Đây là sự giận dữ chân chính xuất phát từ tâm cảm không chỉ riêng của những người lính mà là của bất cứ ai có lương tri.

Năm 1999, khi viết thư cho một người quen, ông Nguyễn Thanh Giang đã tự nhận xét về mình như sau: "Thời gian qua, tôi đã xỉa xói tràn lan vào nhiều cán bộ lãnh đạo với giọng "hàng tôm hàng cá", trong đó đả kích cả vào một số cán bộ lãnh đạo mà tôi từng hiểu biết, quý trọng... Đây là việc làm thực sự đáng ân hận và xấu hổ. Nó vừa có phần nào phản lại những ý nghĩ của mình, và biểu thị sự lén lút, hèn hạ, không xứng đáng với một người tự trọng...".

Vậy mà nay, ông lại phủi miệng, phản bội lại chính mình (?)

Nguyễn Thế Hồng
.
.
.