Những đóng góp to lớn và quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương trong 70 năm qua
- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
- Ban Kinh tế Trung ương phải tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ...
- Ban Kinh tế Trung ương tham vấn chuyên gia quốc tế về phát triển công nghiệp
Vững tay lái, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Ngay từ những năm đầu thành lập nhà nước non trẻ, xây dựng đất nước từ trên nền đổ nát của chiến tranh là chủ trương được Đảng và Bác Hồ quán triệt. Ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương (khóa I) đã ra Quyết nghị số 57-QN/TW thành lập Ban Kinh tế Trung ương với nhiệm vụ nghiên cứu và đề nghị mọi chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính.
Đồng chí Phạm Văn Đồng là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đầu tiên (1950 - 1960). Từ khi Ban Kinh tế Trung ương được thành lập đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quyết nghị thành lập các Ban Kinh tế Trung ương, ở các thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế trong từng giai đoạn.
Cán bộ, chuyên viên của các Ban Kinh tế Trung ương từ lúc chỉ có 10 - 20 người trong kháng chiến chống Pháp cho tới có lúc lên đến 400 người sau năm 1975 luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, nỗ lực đóng góp vào quá trình hình thành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn công nghiệp 4.0. |
Nhiều đồng chí lãnh đạo các Ban Kinh tế Trung ương đã trở thành các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; nhiều cán bộ, chuyên viên đã trở thành cán bộ lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị, các Ban Kinh tế Trung ương đã liên tục bền bỉ hoạt động, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, luôn luôn học hỏi, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Những chủ trương, chính sách do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Đảng đều luôn thể hiện tinh thần học hỏi, đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao với Đảng, nhân dân và đất nước của những người làm công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách với khát vọng sớm đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
70 năm qua, tổ chức của Ban Kinh tế Trung ương có nhiều sự thay đổi, nhưng dù được tổ chức dưới mô hình nào, với tên gọi khác nhau thì Ban Kinh tế Trung ương cũng luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược với Trung ương Đảng ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng về kinh tế, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng về kinh tế và đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.
Dấu ấn từ những cuộc cách mạng
Nhớ lại thời kỳ những năm đầu của thập kỷ 80, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế nước ta lúc đó có những giảm sút nghiêm trọng, trước hết do cơ chế, chính sách trong các ngành: Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và các ngành kinh tế khác, sức sản xuất bị kìm hãm, kém phát triển, phân phối, lưu thông trì trệ.
Tuy nhiên, để chỉ ra được những mặt hạn chế và thừa nhận những bất cập trong cơ chế, chính sách trong cả một giai đoạn dài là không hề đơn giản. Việc ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981, về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp, chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hình thành hệ thống quản lý nông nghiệp mới, làm biến đổi sâu sắc sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết số 10 ra đời 8 năm sau đó đã tạo sự đột phá thực sự trong quản lý kinh tế nông nghiệp, tạo cú hích để phát triển, thổi luồng gió mới làm cho năng suất lao động, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo.
Trong quá trình này, Ban Kinh tế Trung ương đóng vai trò hết sức quan trọng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử. “Phải khẳng định trong suốt 75 năm qua, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Bác Hồ, có tư duy đổi mới sáng tạo rất cao tại mỗi thời điểm lịch sử. Vai trò lãnh đạo của Đảng về đường lối, chiến lược phát triển kinh tế để bảo vệ chế độ, phát triển đất nước là không thể thay thế.
Ban Kinh tế Trung ương với chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng đã tập hợp, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân hoàn thành tốt trọng trách được giao, góp phần đưa kinh tế nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh trong thời gian qua”, đồng chí Vũ Oanh khẳng định.
Là người kế nhiệm và đang tiếp tục chèo lái con thuyền kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng có những chia sẻ về một số đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị (khóa XII), nhiệm kỳ 2016-2020 ban hành một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, định hướng phát triển kinh tế xã hội đất nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045, vừa kịp thời định hướng tháo gỡ những ách tắc để huy động, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong suốt 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đây là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đột phá.
Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là hình mẫu của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thế tránh khỏi các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có lúc khá gay gắt…
Do vậy, để đi đến thống nhất nhận thức là rất khó khăn, phức tạp, phải giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các qui luật khách quan, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta, bảo đảm vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đó chính là hoàn cảnh, yêu cầu và quan điểm của Đảng để Ban Kinh tế Trung ương xây dựng 3 Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
“Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số Nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc, đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực to lớn thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội, cho phát triển lực lượng sản xuất mà điển hình có thể kể đến: Nghị quyết số 11-NQ/TW Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia”, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết. |