Những dấu hiệu khủng hoảng

Thứ Hai, 29/06/2009, 06:55
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ra ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt đời sống của nhân loại. Theo nhận định của website Washprofile, đã xuất hiện những thay đổi cực kỳ bất ngờ, đặc biệt ở Mỹ.

Hệ thống tương trợ  lẫn nhau

Một nghiên cứu của hãng RAND cho thấy, 80% số gia đình (có chung ngân sách chi tiêu)  ở Mỹ đang cảm thấy những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện nay. Tình thế bắt buộc người Mỹ phải áp dụng cơ chế tương trợ lẫn nhau. Có khoảng một phần ba số gia đình Mỹ đã bỏ ra những khoản tiền đáng kể (hơn 500 USD) để giúp đỡ những người bà con lâm vào tình thế khó khăn vì khủng hoảng kinh tế.

Khoảng 15%  số gia đình ở Mỹ nhận được sự tương trợ như thế. Hào phóng nhất trong việc này là các gia đình trung lưu và những người được nhận tương trợ nhiều nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp. Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, thường là cha mẹ giúp đỡ con cái chứ không phải ngược lại.

Những người tiêu dùng

Công ty tư vấn M&C Saatchi đã tiến hành một nghiên cứu ở bốn quốc gia (Mỹ, Anh, Australia và New Zeland) để tìm hiểu tình hình những người tiêu dùng trong khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo đó, trong giai đoạn suy thoái kinh tế, có thể chia những người tiêu dùng thành 8 nhóm khác nhau.

Nhóm thứ nhất, đông đảo hơn cả, chiếm khoảng một phần tư tổng số chung, phần lớn là những người có học vấn cao và thu nhập tốt. Họ thích mua đồ khi có những mẫu mã mới, hay khi được khuyến mãi. Họ mua đồ ngay cả khi không dư dả tiền bạc lắm và hay tự bào chữa rằng, không nên bỏ lỡ những cơ hội có lời như thế. Và họ tin tưởng rằng, trong điều kiện khủng hoảng, họ đã xem xét kỹ lưỡng các thói quen của mình.

Nhóm thứ hai là những người có đầu óc kinh tế hơn, họ chiếm khoảng một phần năm số lượng chung. Họ không ngừng mua hàng ngay cả trong điều kiện hiện nay nhưng thường chọn những thứ rẻ hơn cả hoặc tới những tiệm ăn không quá hoành tráng và đi nghỉ ở những khu du lịch không quá đắt đỏ...

Nhóm thứ ba gồm những người tiêu dùng có tâm trạng bi quan trong điều kiện hiện nay. Họ chiếm khoảng 15% số lượng chung. Khi gặp khủng hoảng kinh tế, họ đã giảm đáng kể các chi tiêu của mình và rất tiết kiệm trong mua sắm.

Nhóm tiếp theo chiếm khoảng một phần mười số lượng những người lớn. Họ buộc phải giảm bớt chi tiêu nhưng lại không thể chối từ hưởng thụ khi có cám dỗ. Dù không dư dả tiền bạc nhưng họ lại không thể từ chối chiều chuộng bản thân mình khi thấy chai rượu ngon đắt tiền hay những đồ mỹ phẩm quý vì tâm trạng của họ phụ thuộc quá lớn vào những trò tự chiều chuộng mình như thế.

Nhóm tiếp theo chiếm khoảng gần 10% tổng số chung. Đó là những người không quan tâm tới khủng hoảng và vẫn tiếp tục tiêu tiền như trước. Chỉ duy nhất có một việc mà họ thận trọng hơn, đó là đầu tư vào cổ phiếu quý.

Nhóm tiếp theo nữa chiếm khoảng 8-9% tổng số chung. Đó là những người từ chối những món đồ lớn nhưng lại vẫn tiêu tiền cho những món đồ nhỏ như trước kia. Đó thường là những công nhân viên chức với mức thu nhập tùng tiệm.

Nhóm tiếp theo chiếm 5 - 7%  số dân của bốn quốc gia trên. Họ có thể đổi việc mua một bộ y phục mới lấy việc đi ăn tại một nhà hàng hoặc ngược lại, từ bỏ cái này bù cho cái khác. Đó thường là những người trẻ tuổi độc thân, không có nguồn thu nhập ổn định.

Nhóm ít người nhất (3-5%) biết cách tìm lợi lộc trong hoàn cảnh khó khăn chung cho tất cả mọi người. Đó là những người có mức thu nhập cao.

Thức ăn

Một nghiên cứu do Trường Đại học Tổng hợp Maryland tiến hành cho phép phát hiện ra một quy luật thú vị: Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, mọi người thường thích những đồ ăn không hẳn đã vô hại nhưng ngon miệng. Theo các nhà tâm lý học, có hai nguyên do dẫn tới hiện tượng này. Thứ nhất, đồ ăn "có hại" thường rẻ hơn. Thứ hai, nó tiện lợi hơn. Vấn đề là ở chỗ, trong giai đoạn khó khăn, người ta thường thích  tìm tới những cái gì tiện lợi hơn, dễ kiếm hơn.

Làm dáng

Một biểu hiện khác của thời kỳ khủng hoảng được các chuyên gia của Trường Thương mại Kellogg phát hiện ra: Người tiêu dùng trong giai đoạn này thường thích mua những gì có thể tạo cho họ dáng vẻ oai oách hơn chính bản thân họ, mặc dầu giá trị thực của những món hàng đó không hẳn đã tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. Đó thường là những hàng hiệu, có thể bày tỏ sự thành đạt của người sử dụng chúng. Thường là hoàn cảnh người tiêu dùng càng kéo thì họ càng dễ mua những hàng hiệu đắt tiền hơn.

Hiếm con trai

Một công trình nghiên cứu  của Trường Đại học Tổng hợp California cho thấy, trong giai đoạn khủng hoảng, số lượng trẻ sơ sinh là con trai trở nên ít hơn bình thường. Kết luận này hiện vẫn không được khẳng định bởi những công trình nghiên cứu khác và chủ yếu chỉ dựa trên những thống kê lịch sử: dữ liệu về Thụy Điển trong giai đoạn từ 1751 tới 1912 và về Mỹ từ 1930 tới 1970...

Phan Long
.
.
.