Những con đường muốn thẳng cũng không được thẳng

Thứ Bảy, 05/04/2014, 10:00
Con đường thẳng bỗng nắn thành cong. Đường cong “bí ẩn” này đã đem lại niềm vui cho một số gia đình vẫn giữ được vị trí “mặt đường”, còn một số hộ dân bị mất đất liên tục có đơn thư thắc mắc. Các hộ này cho rằng, dự án đã không tuân thủ quy hoạch và tuyến đường đã bị bẻ cong nhiều đoạn rất khó hiểu. Thậm chí, còn có thông tin cho rằng, tuyến đường đã bị nắn cong để tránh hàng loạt nhà của quan chức. Các cơ quan Hà Nội không thừa nhận chuyện “né nhà quan”, nhưng rõ ràng việc mở con đường Trường Chinh “cong cong” đã khiến quy hoạch Thủ đô trở nên chắp vá và xã hội thì tốn thêm chi phí.

Sau khi báo chí liên tục “nã pháo” xung quanh thông tin đường vành đai II, đoạn từ phố Vương Thừa Vũ tới Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh) bị bẻ cong nhiều đoạn rất khó hiểu, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã cung cấp văn bản giải trình của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT). Sở QH-KT cho biết, từ năm 2000, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội (nay là Sở QH-KT) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định chỉ giới mở rộng đường Trường Chinh. Hai đơn vị này đã làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (PKKQ) để giới thiệu phương án mở đường Trường Chinh qua khu vực cơ quan Quân chủng PKKQ (đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo qua sông Lừ).

Tại khu vực cơ quan Quân chủng PKKQ đóng quân thì phương án giới thiệu đường quy hoạch dự kiến mở về phía Bắc so với đường hiện tại 20m, còn lại mở về phía Nam. Sau khi làm việc với Kiến trúc sư trưởng TP và nghiên cứu phương án dự kiến mở rộng đường Trường Chinh, Bộ Tư lệnh PKKQ đã có công văn đề nghị “mở đường Trường Chinh đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo về phía Nam”: Phía Bắc lấy mép đường phía Bắc sâu vào khoảng 7m, phía Nam sẽ phát triển cho đủ mặt cắt của đường là 53,5m. Sở QH-KT khẳng định rằng, chỉ giới đường đỏ lập cho đoạn từ Hố Mẻ đến cống Chéo (bao gồm đoạn tuyến cắt vào các hộ dân tổ 40, phường Khương Thượng) xác định tại hồ sơ được UBND TP phê duyệt và hồ sơ được Bộ Tư lệnh PKKQ đóng dấu kiến nghị (đã được Bộ Quốc phòng thỏa thuận) là hoàn toàn thống nhất, không sai khác.

Trao đổi về phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh khẳng định, phương án được chọn phải ít GPMB nhất, tốn kém ít nhất cho ngân sách Nhà nước và vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Dự án 3 - Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị HN - chủ đầu tư dự án - thừa nhận “tuyến đường được thiết kế trên quan điểm của Bộ Quốc phòng, sử dụng ít ngân sách Nhà nước nhất và an ninh với Bộ Quốc phòng được bảo đảm. Lấy đất của Bộ Quốc phòng chỉ mất có 26 tỷ đồng, lấy phía bên kia gấp 5 lần (khoảng 130 tỷ đồng)”. Như vậy, việc “uốn cong” con đường theo phía cơ quan chức năng TP Hà Nội là theo thỏa thuận với Bộ Tư lệnh PKKQ và “tiết kiệm” được 130 tỷ đồng.

Trả lời báo chí, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội lại cho rằng, đường Trường Chinh trong quy hoạch được vẽ thẳng, nhưng sở dĩ một đoạn bị vẽ cong về khu vực hướng Bắc vì khu vực phía Nam là đất công vụ dành cho cán bộ cấp cao. Tuy nhiên, hiện phần đất công vụ (phía Nam) đã được Bộ Tư lệnh PKKQ sẵn sàng dành để làm đường cho đủ 53,5m, nhưng không hiểu vì sao quy hoạch vẫn bẻ cong, ông Nghiêm cho rằng xảy ra tình trạng này là do người làm quy hoạch không nắm được quá trình cải thiện thực tế. Ngoài “nghi vấn” uốn cong đường để giữ “nhà quan” vẫn “mặt đường” thì việc đường Trường Chinh cong (dù chưa như cái ghi đông xe đạp) cũng “góp phần” làm tăng chi phí xã hội. Các chuyên gia về giao thông vận tải khẳng định, những tuyến đường thẳng sẽ giúp dòng phương tiện lưu thông tốt hơn với tốc độ cao hơn. Và quy hoạch nên hướng tới những phương án ngắn nhất, thẳng nhất để giảm thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Con đường Trường Chinh đang dần định dạng “cong”. Lỗi chả phải tại con đường. Nếu như, trong suy nghĩ của những người làm quy hoạch, duyệt quy hoạch không minh bạch, thẳng thắn!

N.Yến
.
.
.