Những chuyển động tích cực phải được tiếp nối

Chủ Nhật, 31/12/2017, 07:37
“Nếu bằng lòng hoặc chủ quan với kết quả đạt được và không tiếp tục nỗ lực thì quán tính sẽ không còn và cỗ máy phát triển sẽ dừng lại. Do đó, Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa…” – Thủ tướng bày tỏ quyết tâm và kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực.

“Trước các khó khăn, thách thức trong ngoài thời điểm đầu năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã nhất quyết kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đã đề ra. 

Đến nay, kết quả phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được khá toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt, triển vọng của hệ thống ngân hàng của Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên “tích cực”. Tuy nhiên, nếu chúng ta bằng lòng hoặc chủ quan với kết quả đó và không tiếp tục nỗ lực thì quán tính sẽ không còn và cỗ máy phát triển sẽ dừng lại. Khi đó việc khởi động lại sẽ rất khó khăn”.

“Bước vào năm 2018 và hướng tới năm 2021, chúng ta cần tận dụng đà phát triển của năm 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.   Ảnh: TTXVN.

“Nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta quyết tâm cùng nhau: Siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ...”

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu là một thành công lớn  của đất nước

Nhìn tổng thể cả năm 2017, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Về vĩ mô, năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng vượt mọi dự báo, vượt kế hoạch – 6,81%, dù trước đó có nhiều ý kiến lo ngại về mục tiêu 6,7%. Cùng với tăng trưởng tốt, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,53%, tín dụng tăng trưởng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.

Sự nỗ lực của Việt Nam cũng được thừa nhận khi Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong năm 2017, Chính phủ cũng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tinh giản biên chế (giảm 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước); xử lý nhiều sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch... An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của đất nước. Chủ động ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, gây rối, tụ tập đông người; trấn áp tội phạm...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Chúng ta đã có đủ bản lĩnh để từ chối các khoản vay hiệu quả thấp

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và nước ngoài có chuyển biến tích cực, song còn nhiều khó khăn; với sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, chăm lo đời sống nhân dân, nên kết quả đạt được năm 2017 là toàn diện.

Cùng với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước (NSNN), nợ công, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Đến nay, có thể báo cáo dự kiến hoàn thành vượt dự toán thu NSNN 5% (số đã báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 tháng 11 vừa qua là 2,3%).

Về chi NSNN, đã tiếp tục cơ cấu lại chi theo hướng tăng tỷ trọng chi cho đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng cường vận dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý chi tiêu như là khoán chi phí, khoán xe công, từng bước tính đúng tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, trên cơ sở đó cơ cấu lại NSNN trong từng ngành, từng lĩnh vực. Về nợ công, thông qua các biện pháp tái cơ cấu, tiếp tục kéo dài kỳ hạn: Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2017 trong nước là 12,7 năm, so với năm 2016 là 8,7 năm; lãi suất vay giảm; đảo ngược cơ cấu nợ trong nước - nước ngoài, từ mức 39% – 61% năm 2011, nay lên 60% – 40% năm 2016.

Tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với mấy năm trước. Đây là thời điểm cần tập trung quản lý để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng và huy động các khoản vay nợ. Lúc này, chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay với điều kiện lãi suất cao, hiệu quả thấp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Xuất khẩu là “đặc sản” của năm 2017

Xuất khẩu là đặc sản của năm 2017, khi chúng ta đạt tăng trưởng 21,1%, gấp 3 lần so với kế hoạch. Bài học của 2017 là khả năng bám sát diễn biến, cục diện chung trên thế giới để có điều hành linh hoạt, phù hợp.

 Năm 2017 có rất nhiều biểu hiện mới của bảo hộ mậu dịch, gây ra rào cản mới cho xuất khẩu. Sự tháo gỡ của Chính phủ cho các ngành kinh tế bằng các giải pháp cụ thể đã tạo nên niềm tin, sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nỗ lực trong hội nhập và khai thác các cơ hội của hội nhập, nhất là thị trường mới, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế đã được nâng lên mức mới. Xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa đem lại cơ hội cho công nghiệp phát triển tăng 9,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5%; phát triển các ngành Công nghiệp như ôtô, cơ khí, năng lượng... để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: Chính sách tiền tệ đã đi đúng hướng

Năm 2017, Chính phủ thành công trong thực hiện ổn định kinh tế, kiên định trong giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo dựng môi trường phát triển kinh tế trong trung dài hạn, là điểm sáng quan trọng tạo đà cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khoá, để ổn định vĩ mô. Lạm phát bình quân 2017 chỉ ở mức 1,41% chứng tỏ chính sách tiền tệ đã đi đúng hướng.

Năm qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các công cụ điều hành để giảm lãi suất điều hành, qua đó các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 1% một  năm, nhiều tổ chức tín dụng áp dụng lãi cho vay ngắn hạn 4-5% một năm với khách hàng tốt; lãi suất vay trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên ở mức 8% một năm, giúp giảm chi phí kinh doanh cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã xấp xỉ 52 tỷ USD.

Năm 2017 đã mua vào tăng dự trữ ngoại hối khoảng 13 tỷ USD năm, cung ứng đầy đủ ngoại tệ cho nền kinh tế, xuất khẩu, kiểm soát thị trường ngoại tệ. Tăng dự trữ ngoại tệ có ý nghĩa rất lớn trong củng cố vị thế quốc gia, tạo lòng tin cho nhà đầu tư vào Việt Nam.

Vũ Hân
.
.
.