Nhóm khủng bố Nguyễn Quốc Quân và cái giá phải trả

Thứ Sáu, 23/05/2008, 16:09
8h ngày 13/5/2008, TAND TP HCM đã mở phiên xét xử Nguyễn Quốc Quân, Việt kiều Mỹ, (còn có những tên gọi khác là: Ly Seng, Lê Trung, Anh Tuấn, Chu Cảnh Lâm...), cùng đồng bọn là Nguyễn Hải (tức Khunmi Somsak, Nguyễn Quang Phục, Nguyễn Quốc Hải), Việt kiều Thái Lan và Nguyễn Thế Vũ với tội danh khủng bố.

Cả 3 nhân vật nêu trên đều là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân. Cũng nằm trong nhóm này, còn có Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ (Trương Leon), nhập cảnh Việt Nam để tiến hành âm mưu khủng bố nhưng đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện, bắt giữ và trục xuất.

Bộ mặt thật của Nguyễn Quốc Quân

Sinh ngày 20/11/1953 tại Hà Nội, năm 1954, Nguyễn Quốc Quân cùng gia đình di cư vào Nam. Từ 1965 đến 1975, Quân học tiểu học, rồi trung học và đại học tại Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Quốc Quân là giáo viên tại thị trấn Rạch Sỏi, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tháng 8/1981, Quân vượt biên rồi được định cư tại bang California, Mỹ. Đến tháng 6/1986, Nguyễn Quốc Quân gia nhập tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” do Hoàng Cơ Minh, cựu phó đô đốc Hải quân Sài Gòn nặn ra.

Thời gian đầu, công việc của Quân là tìm đến những nơi có đông người Việt như khu thương xá Phước Lộc Thọ, Bolsa, để phân phát truyền đơn, tài liệu, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, những người không am hiểu tình hình Việt Nam, gia nhập “mặt trận”.

Tháng 1/1987, do có học vị tiến sĩ toán học, bọn cầm đầu “mặt trận” giao cho Nguyễn Quốc Quân lập trình phần mềm tin học quản trị thành viên, thiết lập hệ thống quản lý hồ sơ nhân sự cho “mặt trận”, với mức lương 250USD/tháng.

Song song với việc quyên góp, thúc ép cộng đồng người Việt ở nước ngoài nộp tiền cho “mặt trận”, tháng 6/1988, Nguyễn Quốc Quân viết tiếp phần mềm phục vụ việc kinh doanh hệ thống phở Hòa – để kiếm tiền cho “mặt trận”.

(Sau này, khi bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt, Nguyễn Quốc Quân đã khai rõ về mã nguồn của phần mềm này, cùng tổ chức, nhân sự và kế hoạch hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam của Việt Tân từ năm 2006 đến 2010).

Tháng 9/1990, nhằm tạo vỏ bọc quy tụ những thành phần người Việt phản động, cùng những trí thức không am hiểu tình hình đất nước để thực hiện âm mưu khủng bố, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân tại Việt Nam, bọn cầm đầu Việt Tân chỉ đạo Nguyễn Quốc Quân thành lập cái gọi là “Hội chuyên gia Việt Nam” do Vũ Quý Kỳ làm chủ tịch, Quân là tổng thư ký.

Mục tiêu “hội chuyên gia” đề ra, là thông qua những thành phần trí thức gia nhập hội, Việt Tân sẽ tiến hành triển khai kế hoạch “canh tân đất nước Việt Nam” theo tư tưởng của Việt Tân, sau đó tiến đến xây dựng nhiều “phân hội” tại các bang ở Mỹ, Australia, châu Âu rồi dùng các “phân hội” này, lôi kéo người gia nhập tổ chức.

Để tạo “uy tín” cho “mặt trận”, năm 1995, Nguyễn Quốc Quân viết phần mềm “EnViMat”, phiên dịch tự động từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tạo nguồn tài chính cho tổ chức này.

Ngày 19/9/2004, tại thành phố Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, “mặt trận” làm lễ đổi tên thành Việt Tân, và cho ra đời thêm “Liên minh các lực lượng dân tộc đổi mới”.

Thời gian này, Nguyễn Quốc Quân được phân công soạn thảo các văn bản tuyển lựa nhân sự, tài liệu an ninh nội bộ, viết phần mềm mã hóa thông tin dưới hình thức ngụy trang, có tên gọi “bói Kiều”,  hướng dẫn các thành viên trong tổ chức học tập các bài về an ninh, các phương pháp khủng bố.

Chính Nguyễn Quốc Quân là kẻ đã lôi kéo và kết nạp một số thành viên người Việt ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan... vào Việt Tân.

Xâm nhập Việt Nam để khủng bố!

Đầu năm 2007, sau nhiều ngày họp hành, bàn bạc, bọn chóp bu Việt Tân cho ra đời một kế hoạch đặt tên là “Kế hoạch sang sông”.

Nội dung của kế hoạch này bao gồm việc cử người về Việt Nam dưới hình thức thăm thân nhân, du lịch hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư  rồi thông qua đó, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, tìm hiểu quy luật làm việc của những cơ quan quan trọng của Nhà nước Việt Nam, đồng thời cử người xâm nhập trái phép qua ngả biên giới Việt Nam, Campuchia, tổ chức các trạm giao liên, các điểm liên lạc, tiếp xúc, các chỗ trú chân để hình thành một đường dây đưa người, vũ khí, chất nổ vào Việt Nam tiến hành khủng bố.

Một trong những thành viên được bọn cầm đầu Việt Tân điều sang thực hiện “Kế hoạch sang sông” chính là Nguyễn Quốc Quân. Trực tiếp soạn thảo các tài liệu nói về ý nghĩa quan trọng của kế hoạch này, Nguyễn Quốc Quân vạch ra các “đức tính” cần có của những thành viên khi tham gia như cách theo dõi, chống theo dõi, cách hoạt động trong những thành phố lớn.

Ngày 9/11/2007, Quân từ Mỹ sang Thái Lan, gặp Nguyễn Hải (tức Khunmi Somsak, Nguyễn Quang Phục) rồi cùng Hải đi Campuchia. Tại đây, Quân được Nguyễn Ngọc Đức, là “Ủy viên trung ương Việt Tân” giao cho 2 điện thoại di động số Campuchia, 3 simcard số Việt Nam cùng một chứng minh nhân dân Campuchia giả mạo, mang tên Ly Seng.

Thời điểm này, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ (tức Trương Leon), theo chỉ đạo của bọn Việt Tân, cũng đã nhập cảnh Việt Nam dưới vỏ bọc thăm thân nhân, để cùng phối hợp với Nguyễn Quốc Quân tiến hành âm mưu khủng bố. Ngày 17/11/2007, lần lượt Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ, Nguyễn Hải đến nhà Nguyễn Thế Vũ.

Trước đó, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Thuận - thành viên Việt Tân ở Oslo, Na Uy, Nguyễn Thế Vũ đã thu thập danh sách và địa chỉ của hơn 40 công ty và 7.000 địa chỉ cá nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tại nhà Nguyễn Thế Vũ, căn cứ vào những địa chỉ mà y cung cấp, cả bọn cho truyền đơn vào phong bì rồi cắt, dán tên người nhận. Nội dung truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên vũ trang bạo loạn, kêu gọi công nhân đình công, gây bất ổn trong xã hội, kêu gọi gia nhập tổ chức Việt Tân để tiến hành lật đổ chính quyền.

Theo kế hoạch, nếu việc gửi truyền đơn, logo Việt Tân trót lọt, chúng sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều toán phản động khác về nước để tuyển mộ, tập hợp lực lượng, biến Việt Tân thành một tổ chức kích động người dân biểu tình, bạo loạn lật đổ Nhà nước. Tuy nhiên, khi cả bọn đang tiến hành cắt dán thì bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt quả tang.

Sáng 17/11, Ly Seng quay lại biên giới Việt Nam, Campuchia và khi đang tìm cách vượt biên giới thì bị cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh bắt với lý do xuất nhập cảnh trái phép. Kiểm tra trong người gã, chỉ  có một thẻ căn cước Campuchia với tên Ly Seng.

Ngày 27/11, khi các phương tiện truyền thông trong, ngoài nước đồng loạt lên tiếng về việc Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ nhóm khủng bố Việt Tân, thì chiều 27/11, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Ly Seng tại nơi giam giữ.

Sau một hồi kể lể về vợ con, gia đình, Ly Seng thừa nhận: “Tôi chỉ là một con tốt, được những kẻ cầm đầu tổ chức Việt Tân đưa về để kiểm tra đường dây xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp làm cơ sở cho những lực lượng sẽ về sau...”.

Bên cạnh đó, Ly Seng còn khai tất tần tật về “Kế hoạch Đông tiến 07”, “Ban phát triển quốc nội”, “Nhóm công tác C21”, cũng như tên tuổi, chức vụ của từng đồng bọn trong tổ chức Việt Tân, và không tiếc lời khen ngợi “Lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam giỏi thật”.

Chúng tôi hỏi Ly Seng có nghi ngờ ai báo cho phía Việt Nam biết về chuyến xâm nhập của hắn không? Không một chút đắn đo, Ly Seng trả lời ngay: “Thằng Đức. Chính là thằng Đức vì nó nằm lại Campuchia chứ không chịu về”. Điều đặc biệt là Ly Seng luôn tìm cách để tránh né hai chữ “khủng bố”.

Lúc chúng tôi hỏi lực lượng mà Việt Tân toan tính đưa về là lực lượng nào, và tại sao lại phải đưa về bằng cách vượt biên giới, phải chăng lực lượng ấy được trang bị chất nổ, vũ khí thì Ly Seng im lặng, không trả lời.

Sau khi Ly Seng bị bắt, bọn phản động Việt Tân đã liên tiếp tung ra 4 thông cáo báo chí, trong đó khẳng định Ly Seng chính là Nguyễn Quốc Quân, “Ủy viên trung ương” của Việt Tân, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ lên tiếng can thiệp vì Nguyễn Quốc Quân là công dân Mỹ, cũng như kêu gọi Chính phủ Pháp, Thái Lan can thiệp cho Nguyễn Thị Thanh Vân, Khunmi Somsak.

Một số tổ chức phản động khác như nhóm “Nhân dân hành động” của Nguyễn Xuân Ngãi, Nguyễn Sĩ Bình. Nhóm “Dân chủ nhân dân” của Đỗ Thành Công cũng bù lu bù loa trên mạng Internet về chuyện này.

Bên cạnh đó, Sứ quán Mỹ đã có công hàm gửi cơ quan hữu quan Việt Nam, đề nghị xác nhận người bị bắt có phải là Nguyễn Quốc Quân, công dân Mỹ hay không. Tuy nhiên, Ly Seng không hề nhập cảnh Việt Nam bằng con đường chính thức với hộ chiếu do phía Mỹ cấp, mà về bằng con đường vượt biên giới trái phép.

Hơn nữa, trong suốt thời gian bị tạm giam, Ly Seng nhất mực cho rằng mình là người... Campuchia gốc Việt, có căn cước Campuchia, hiện cư trú tại phường 3, thành phố Phnôm Pênh, có tên Việt là... Nguyễn Quốc Quân.

Ly Seng cho rằng y chỉ phạm tội xuất nhập cảnh trái phép nên chắc mẩm sau một thời gian ngắn bị xử phạt hành chính, hắn ta sẽ được tha.

Tối 27/11/2007, Ly Seng mới khai nhận  rằng mình là công dân Mỹ, “Ủy viên trung ương” của Việt Tân, “Vụ trưởng Vụ quốc nội”, sinh ngày 20/11/1953 với những cái tên như Nguyễn Quốc Quân, Lê Trung, Tuấn Anh, Chu Cảnh Lâm... Ly Seng cũng nhìn nhận căn cước Campuchia cùng một số tên khác là căn cước giả.

Bên cạnh đó, Ly Seng còn khai rõ về tất cả những lần xâm nhập Việt Nam trước đây của hắn và đồng bọn, đồng thời vẽ lại sơ đồ toàn bộ tuyến xâm nhập, các trạm kiểm soát của Việt Nam và Campuchia mà theo Quân: “Để phổ biến cho các lực lượng về sau này”.

Song song với những việc này, gần cuối tháng 3, bọn cầm đầu Việt Tân tổ chức cho 3 thành viên là Nguyễn Thị Xuân Trang, Mai Hữu Bảo và Nguyễn Tấn Anh nhập cảnh Việt Nam với nhiệm vụ chụp ảnh trụ sở Cơ quan Bộ Công an phía Nam, và theo dõi quy luật canh gác của lực lượng cảnh vệ.

Sau đó,  trong ngày 2 và buổi sáng ngày 3/4/2008, Mai Hữu Bảo, Nguyễn Tấn Anh, Nguyễn Thị Xuân Trang thường xuyên qua lại trên đường Nguyễn Văn Cừ bằng nhiều loại phương tiện.

Đến khoảng 9h ngày 3/4, cả bọn ra chợ Nancy gần đó, mỗi tên mua vài loại trái cây, ít bánh kẹo, đựng trong ba túi xách bằng nylon màu đỏ rồi dẫn nhau đến nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Sau vài phút, cả 3 chậm rãi đi ngang cổng bảo vệ Cơ quan Bộ Công an, mắt dáo dác nhìn lên liếc xuống.

Đúng lúc ấy, các cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xuất hiện, mời cả 3 về làm việc.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Xuân Trang khai: “Tôi được người cầm đầu Việt Tân dặn dò là thuê xe ôm, mỗi lượt thuê một chiếc khác nhau, chạy qua chạy lại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ rồi giả như đang  nghe điện thoại di động, bí mật chụp ảnh”.

Mai Hữu Bảo khai: “Tôi thuê taxi, chạy qua đường Nguyễn Văn Cừ ba lần. Ngồi trong xe, tôi dùng điện thoại di động, chụp ảnh qua kính xe”. Nguyễn Tấn Anh khai: “Để chứng minh với Việt Tân là chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ, chị Xuân Trang và anh Bảo kêu tôi chụp hình cho hai người ngay trước tấm biển chỉ đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, rồi chị Trang chụp lại cho tôi với anh Bảo. Những tấm hình ấy, chị Xuân Trang chuyển bằng e-mail về Mỹ cho Việt Tân”.

Thoạt đầu, khi bị tạm giữ, Xuân Trang, Tấn Anh, Mai Hữu Bảo chối đây đẩy, rằng chúng không phải là người của Việt Tân, không biết Việt Tân là cái quái gì, chỉ đang tìm đường hỏi thăm khu trại giam, để xin gửi ít quà vào cho người quen.

Tuy nhiên, khi kiểm tra điện thoại di động, máy ảnh của Mai Hữu Bảo, Nguyễn Thị Xuân Trang thì vẫn còn vài tấm ảnh chụp tuyến đường Nguyễn Văn Cừ mà trong đó có toàn cảnh bức tường Cơ quan Bộ Công an, cùng trạm gác của cảnh vệ. Bảo cho rằng thấy cảnh đường phố cùng những hàng cây hoa phượng rất đẹp nên... chụp chơi!

Khi được hỏi tại khu vực này, đã có treo biển cấm quay phim, chụp ảnh mà sao vẫn chụp thì Mai Hữu Bảo  viện cớ do mình bị... cận thị, nên không nhìn rõ!

Trước vành móng ngựa, Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Hải, Nguyễn Thế Vũ đều thừa nhận những hành vi tội lỗi của mình do... thiếu nắm vững về tình hình đất nước và xin được khoan hồng.

Căn cứ theo luật pháp Việt Nam, tòa đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Quân 6 tháng tù giam, trục xuất về Mỹ sau khi hết hạn tù; Nguyễn Hải 9 tháng tù giam, quản chế 3 năm tại địa phương (tỉnh Khánh Hòa) sau khi hết hạn tù; và Nguyễn Thế Vũ  5 tháng 26 ngày tù giam, 1 năm quản chế...

PV
.
.
.