Nhớ lời Bác dặn trong Di chúc

Thứ Ba, 02/09/2014, 07:05
Đã 45 năm kể từ ngày Bác đi xa. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà trước khi mất, Bác dự đoán chỉ còn vài năm nữa đến nay đã hoàn thành và cũng đã được gần 40 năm. Đất nước Bác từng dự đoán sau khi thắng Mỹ “ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” giờ điều ấy đã thành hiện thực. Nhiều người đã mãi mãi đi xa, nhiều người trẻ đã trưởng thành… Nhưng vừa tất nhiên vừa cũng thật lạ, hình ảnh Bác Hồ qua thời gian, càng ngày càng sáng tỏ, càng thiêng liêng trong lòng người Việt Nam.

Ngày Bác còn sống, ta cảm thấy tự hào và kính phục, yêu thương với một người có công với nước với dân. Nay dường như Bác đã vượt khỏi phàm trần, trở thành anh hùng dân tộc sánh ngang với những vị nhân thần, vị thánh trong lịch sử. Ngày Bác mất ta tiếc thương, nói như nhà thơ Tố Hữu “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”, nghĩ rằng trên thế giới, chưa ai được dân thương như Bác Hồ. Thế rồi ta nhận ra ngay cả nước mắt thì nhiều đám tang trên thế giới cũng có, nhưng chỉ riêng có Bác Hồ không có lời dị nghị, không rơi vào quên lãng, càng lâu càng được đời kính cẩn noi theo.

Trong những di sản Bác để lại, bên cạnh những văn kiện lừng danh như Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966. Di chúc là một văn kiện đặc biệt cả về hoàn cảnh ra đời lẫn nội dung của nó.

Về hoàn cảnh ra đời. Di chúc được viết từ ngày 19/5/1965, vào lúc mọi người đang hân hoan chúc thọ, mừng sức khỏe Người thì Bác lặng lẽ viết di chúc. Từ đó, mỗi năm, cứ vào dịp sinh nhật, Người lại mang ra suy nghĩ, sửa chữa từng chữ một. Nhiều lần, Bác còn đề nghị đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư giúp việc góp ý kiến. Việc làm của Bác chứng tỏ dù là việc riêng tư nhất, Người cũng tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể Bộ Chính trị và không để nhân dân phải hoang mang, lo lắng. Bản cuối cùng, bản được chụp ảnh và là bản chính để công bố sau khi mất, Bác đã viết trên mặt sau của bản tin TTXVN, giấy xấu, hay nhòe, dễ thấm nước, dễ ố vàng không bảo quản được lâu. Tôi không tin rằng Người không hiểu chất lượng loại giấy bản tin không được tốt khi bảo quản lâu dài.

Tôi cũng không tin rằng, với một Di chúc rất được coi trọng, từng được suy nghĩ, nghiền ngẫm, tham khảo ý kiến suốt bốn năm trời, Người lại không suy nghĩ gì, gặp giấy nào viết giấy ấy, mà thực sự ở đây là một sự chủ ý để giáo dục ý thức tiết kiệm cho mọi người. Với nhiều yếu nhân trên thế giới, thi thể và di chúc thường bị cất giấu, đánh tráo, gắn liền nó với máu, với vàng, với âm mưu phe nọ phái kia của người đang sống. Bác Hồ thì không. Ba mặt một lời. Tất cả công khai vì dân, vì nước.

Về nội dung, “Nhớ lời Bác dặn trong di chúc”(Tố Hữu) thử lần giở lời dặn dò cuối cùng của Bác.

Trước hết về sự sắp xếp thứ tự các lời dặn. Sau phần mở đầu, Người lần lượt nêu các vấn đề về Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về nhân dân lao động, những vấn đề trong nội bộ nhân dân. Tiếp theo, người nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến phong trào cộng sản thế giới và cuối cùng là việc riêng. Về việc riêng, tránh mọi chuyện nội bộ, tránh ý nguyện cất nhắc hay loại bỏ người này người kia, chỉ bàn chuyện không điếu phúng linh đình, lăng tẩm thênh thang lãng phí đất và tiền của. Điều toát lên từ nội dung những điều dặn dò là người luôn quan tâm đến tương lai đất nước, dân tộc sau khi Người đi xa.

Trong tất cả các vấn đề, nói về Đảng được ưu tiên hàng đầu và điều đầu tiên Người tha thiết dặn dò là phải giữ đoàn kết “như giữ con ngươi của mắt mình”, coi đoàn kết là nguyên nhân hàng đầu, quan trọng nhất của mọi thắng lợi. Để có đoàn kết, phải phát huy dân chủ, thường xuyên phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc trên tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau.

Điều thứ hai dặn dò về Đảng là Đảng cầm quyền, đảng viên càng  phải giữ vững đạo đức, cần kiệm liêm chính, là người lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân.

Về đoàn viên và thanh niên, người coi đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là cực kỳ quan trọng. Đảng phải giáo dục, rèn luyện họ thành những người vừa hồng vừa chuyên.

Về nhân dân lao động, Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Người khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài vài năm nữa nhưng nhất định thắng lợi hoàn toàn. Về phong trào cộng sản thế giới, Người vừa tự hào về sự lớn mạnh của nó, vừa đau lòng vì sự bất hòa giữa các Đảng anh em.

Sau 45 năm, tình hình thực tế hoàn toàn đúng như những điều băn khoăn và lời dặn dò của Bác. Cuộc đấu tranh chống thoái hóa biến chất, xuống cấp đạo đức, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, căn bệnh phổ biến của bộ máy cầm quyền đang là mũi nhọn chiến đấu của Đảng; tình trạng phai nhạt lý tưởng, chạy theo đồng tiền, xa rời truyền thống dân tộc, a dua, đua đòi đang làm hư hỏng một số thanh niên ít chịu rèn luyện; tình trạng bất công, mất dân chủ, phân hóa giàu nghèo ngày một doãng rộng diễn ra khá phổ biến ở nông thôn; sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN, những dấu hiệu chệch hướng ở một số nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, tình hình thế giới ngày càng phức tạp… đang minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của Người với những tiên đoán cách đây gần nửa thế kỷ.

Ngay về việc riêng, Người cũng thể hiện cách nhìn nhân văn và tầm nhìn xa trông rộng. Người lo cho những người đến phúng viếng phải đi lại xa xôi, lo đất dành chôn mình sẽ chiếm dần đất nông nghiệp, lo trồng rừng để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Chỉ có Hồ Chí Minh mới có thể có những ý tưởng lớn lao trong những lời nói giản dị, mộc mạc như vậy.

Đất nước giờ đây đã khá hơn trước, đời sống đã được cải thiện hơn hồi Bác còn sống, mỗi lần đọc lại di chúc lại bồi hồi nhớ Bác như nhớ về cha mẹ đã nhường nhịn hi sinh cho mình trong cuộc dưỡng dục, sinh thành

Duy Vũ
.
.
.