Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Những việc cần làm ngay’
Trước hết, đó là tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đây là quan điểm nổi tiếng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12 năm 1986 đã đưa ra. Cũng cần nói thêm rằng, để tiến tới Đại hội VI - Đại hội đánh dấu chính thức cho tiến trình đổi mới toàn diện đất nước – đồng chí Nguyễn Văn Linh chính là một trong những lãnh đạo tích cực nhất trong Đảng đã thúc đẩy đổi mới từng phần suốt trong thời kỳ đồng chí ở trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là thời kỳ đồng chí làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Đại hội VI mở ra thời kỳ đổi mới tư duy, nhưng ngay những năm đầu sau đó, tính lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong nhận thức của Đảng nói riêng, xã hội nói chung vẫn còn nặng nề; những biểu hiện tiêu cực vẫn nổi lên. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhận thấy thực tế ấy đang là rào cản của công cuộc đổi mới.
Bài báo đầu tiên trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" đăng ngày 25/5/1987 trong hoàn cảnh cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VI về ổn định giá cả mới được hơn 4 tháng. “Bốn giảm”, trong đó có giảm tăng giá, là một mục tiêu quan trọng để giữ tình hình ổn định trong quá trình thực thi chính sách đổi mới, nhưng tình hình đang diễn biến xấu. Giá cả tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có “nguyên nhân bất chính” như bài báo đã nêu. Việc thực hiện nghị quyết này chưa đưa lại hiệu quả rõ rệt, kỷ luật về giá đề ra đã bị vi phạm, trong đó đầu cơ đã làm nảy sinh hiện tượng tham nhũng.
Bài báo của tác giả N.V.L. đã nói rõ thực trạng này và yêu cầu “các cơ quan báo chí phải lên án, chỉ đích danh cá nhân, cơ quan, tổ chức nào làm trái Nghị quyết Trung ương 2. Quần chúng phải có phong trào lên án ngay một số cán bộ, cơ quan làm bậy”. Bài báo yêu cầu, “các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương nghị quyết Trung ương...”, “các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ, việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết”. Tác giả của những bài báo nắm rất rõ nhiều việc, nhưng vấn đề cơ bản là dám viết công khai những vấn đề tiêu cực để phát động phong trào chống tiêu cực. Đó là thái độ của người cộng sản, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật để cải tạo hiện thực. Ngay cả trong đội ngũ cán bộ hồi ấy không phải ai cũng đồng tình vì cho rằng báo Đảng cứ “vạch áo cho người xem lưng”, và như thế sẽ làm cho “kẻ xấu lợi dụng”. Thói quen “đóng cửa bảo nhau” đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ ở trong Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh trầm kha trong xã hội và nghiêm khắc cảnh báo cho các cơ quan và toàn xã hội. Lúc đầu, nhiều người chưa biết rõ tác giả mang bút danh N.V.L. là ai và ý nghĩa của mấy chữ N.V.L. Có người còn suy mấy chữ đó là "Nhảy vào lửa", để thấy rõ tính chất gay go, sự "tuyên chiến" của tác giả đối với tiêu cực và dám nói sự thật. Khi biết những bài báo đó là của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì cán bộ, đảng viên và nhân dân càng ủng hộ, tin tưởng vào thái độ của Đảng với tinh thần thực hiện Nghị quyết Đại hội VI.
Hiện nay, cần tiếp tục một cách mạnh mẽ hơn tinh thần đó của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Vẫn còn đó "căn bệnh thành tích" trong Đảng. Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, rất cần thái độ nhìn thẳng vào chính mình, thường xuyên và thẳng thắn tự phê bình và phê bình với động cơ và thái độ đúng đắn.
Đó là tinh thần “Nói đi đôi với làm”. Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lấy bút danh N.V.L. Đồng chí giải thích, đó là "Nói và làm", nghĩa là nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, đã nói thế nào thì làm đúng như đã nói; nói ít làm nhiều, chứ không được nói mà không làm hoặc nói nhiều nhưng làm ít. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều vấn đề, nhưng có lẽ đây là một trong những điều rõ nhất.
Trong các bài báo của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường yêu cầu nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trên tinh thần nói đi đôi với làm, nhất là trong thực hành tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, tham nhũng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng: “Muốn tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí thì cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu làm trước. Xe lửa có đầu tàu. Đầu tàu chuyển động chạy sẽ kéo các toa cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im, làm sao các toa nhúc nhích được”. Cũng như thế, đối với việc chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: “Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc, mà cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong?”.
Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta thấy rõ một điều rằng, năng lực thực thi đường lối của Đảng còn kém thua rất nhiều so với năng lực xây dựng đường lối, nghị quyết. Việc xây dựng để thảo luận thông qua nghị quyết của các tổ chức Đảng là điều không phải dễ dàng, nhưng việc triển khai nghị quyết còn khó hơn.
Học tập tinh thần nêu trong các bài báo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, hiện nay, cán bộ, đảng viên nhất thiết nói phải đi đôi với làm; tuyệt đối phục tùng nghị quyết, nói và làm theo nghị quyết của Đảng, không chấp nhận và phải luôn luôn đấu tranh với những hành vi tuyên truyền và làm trái với nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bài báo thứ hai của đồng chí Nguyễn Văn Linh đăng ở chuyên mục "Những việc cần làm ngay" ngày 26/5/1987 viết về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong thời gian đó, có rất nhiều đơn thư tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm nên tác giả N.V.L. đã dùng khái niệm “Im lặng đáng sợ” để chỉ biểu hiện của sự vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân. Công cuộc chống tiêu cực lúc bấy giờ được các ngành, các giới, nhất là báo chí, triển khai mạnh mẽ. Bài báo đã có tác động lớn đến tình cảm, tâm lý của nhân dân, nhưng cũng khiến cho một số cán bộ băn khoăn, lo lắng. Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, tư tưởng quan liêu bao cấp trì trệ kéo dài, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cố gắng tìm ra những mấu chốt căn bản để tháo gỡ. Phải trực tiếp cảm nhận được cả những hiện tượng tiêu cực và cả những hiện tượng đòn bẩy thúc đẩy đối với công cuộc đổi mới và sau đó mới tìm cách để giải quyết nhằm thúc đẩy đổi mới đi đến thành công. Là người coi trọng thực tiễn, đối mặt với thực tiễn để tìm ra chân lý, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất ghét thói vô cảm, tức là thờ ơ đối với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, bàng quan với nỗi khó khăn, vất vả của người lao động...
Giá trị những ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong các bài báo đó đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay có tác dụng chỉ dẫn quan trọng. Hiện nay, thói vô cảm vẫn còn nhiều mà chưa được phê phán và có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Đáng tiếc là không ít người vẫn bàng quan với những tiêu cực, không dám đấu tranh với những cái xấu diễn ra hằng ngày ở trong tổ chức của mình, ở trong khu dân cư, trong xã hội. Giá trị những bài báo của đồng chí Nguyễn Văn Linh còn ở chỗ, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn trau đồi tình cảm cách mạng, sống với cuộc sống của nhân dân, hiểu thấu tâm tư, tình cảm của nhân dân, quan tâm đến mọi hoạt động của xã hội, tích cực giải quyết những yêu cầu đặt ra của cách mạng, coi công việc của tổ chức là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của mình.
Bên cạnh đó, những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn tiên phong chống lại những biểu hiện bảo thủ, trì trệ, giáo điều, chủ quan, tha hóa, biến chất trong Đảng; nêu cao bản lĩnh của người lãnh đạo chủ chốt; thấy rõ sức mạnh của truyền thông báo chí... Tất cả những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, đến nay còn nóng bỏng tính thời sự, không chỉ có giá trị trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới xây dựng đất nước nói chung.