Nhìn ngược thì lóa

Thứ Hai, 23/09/2013, 08:21
Cuộc tranh luận đáng chú ý diễn ra trên mạng Internet liên quan điều luật 258, BLHS “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” giữa hai luồng quan điểm dường như đối lập nhau. Đáng nói, nếu như trước đó, một số blogger đã có chủ ý ra cái gọi là “Tuyên bố 258”, dụng ý kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng mạng nhằm xóa bỏ điều luật này và gửi tuyên bố tới đại diện Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam thì ngay lập tức, nhóm này đã nhận được những phản hồi “nặng cân”.

Mạng Internet có “phản bác Tuyên bố 258” với số lượng người tham gia diễn đàn tăng vọt. Nếu như, nhóm đưa ra cái gọi là “Tuyên bố 258” viện dẫn rằng điều luật 258, BLHS thiếu tính khoa học dẫn tới việc khởi tố, bắt giam một số người là “vi phạm nhân quyền” thì phía ngược lại, nhóm tham gia diễn đàn “phản bác Tuyên bố 258” cũng có đủ cơ sở, lý lẽ khẳng định tính pháp lý, khoa học của điều luật 258 và đưa ra các chứng lý chứng minh việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, bắt giam và xét xử những bị can, bị cáo này là khách quan, đúng luật.

Xem việc tranh luận trên các diễn đàn này cho thấy, cộng đồng mạng, nhất là các diễn đàn xã hội đã không còn là “đất riêng” cho những cá nhân (blogger) vận động người khác tham gia, ủng hộ quan điểm được cho là trái với xu thế khách quan, thậm chí có tính cực đoan. Ngược lại, các blogger, nhất là những bạn trẻ (trong đó có nhiều học sinh, sinh viên) đã không bị cuốn hút vào lối viết phản khoa học, cực đoan của một nhóm nhỏ. Họ đã có chính kiến, có bản lĩnh và thể hiện được tiếng nói, tư duy của mình trước một vấn đề, một sự kiện.

Xem như diễn đàn “phản bác Tuyên bố 258” (hiện chưa rõ những cá nhân lập ra diễn đàn này) thì rất nhiều bạn trẻ đã tham gia dưới các dạng bình luận (comment) với chính kiến rất rõ ràng, đặc biệt là nhiều ý kiến với lập luận sắc sảo, khẳng định tính pháp lý, khoa học của điều luật, từ đó không đồng tình với một số blogger lạm dụng danh nghĩa diễn đàn để làm điều gây hại cho lợi ích Nhà nước, tập thể, lợi ích của chính các cá nhân tham gia diễn đàn... Chẳng hạn, trong “phản bác Tuyên bố 258”, viết: “Các bạn có một nhóm rất nhỏ nhưng lại luôn dùng các cụm từ mạng lưới blogger Việt Nam, cộng đồng blogger trẻ... và dùng danh nghĩa này "đối thoại" với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế...”. Phản bác này cũng lập luận: “Yêu nước vốn là bổn phận thiêng liêng của bất cứ người dân của một dân tộc nào. Vì yêu nước nên giả sử có một cách nhìn, một chính kiến, một chính sách khác đối lập với Nhà nước cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên yêu nước kiểu Trần Ích Tắc yêu cầu ngoại bang can thiệp vào nước mình là một hành động không yêu nước chút nào, nếu không nói đó là hành động phản quốc”.

Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, không thể lấy danh “mạng lưới blogger trẻ” để áp vào cái gọi là “Tuyên bố 258” vì thực tế, tuyên bố này chỉ là của một số ít cá nhân, chiếm tỷ lệ quá nhỏ bé so với cộng đồng blogger trẻ. Trong khi đó, hầu hết các blogger trẻ bày tỏ quan điểm phản ứng với các lập luận mà nhóm này đưa ra, từ đó phê phán việc nhóm “Tuyên bố 258” đã vi phạm dân chủ, quyền, lợi ích của chính các cá nhân tham gia diễn đàn...

Rõ ràng, chính kiến của các blogger đã rất thẳng thắn và sẵn sàng bảo vệ quan điểm, lý lẽ của mình chứ không bị hút vào những trò nhảm nhí, cực đoan. Ở đây, chúng tôi cho rằng, việc tham gia diễn đàn nào cũng vậy, dù trên mạng Internet hay trong đời sống xã hội, mỗi người cần trang bị những kiến thức cơ bản để có quan điểm, lập trường riêng, từ đó bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải và phê phán, chỉ trích cái sai, cái tiêu cực. Đối với điều 258, BLHS “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, cho tới nay, các nhà lập pháp, hành pháp có đủ căn cứ khẳng định tính khoa học của điều luật. Điều luật chỉ xác định hành vi phạm pháp đối với trường hợp “lợi dụng” và hành vi này phải “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Nếu hành vi không lợi dụng, chỉ là hoạt động tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp và các quyền tự do dân chủ khác thì được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Quy định trên của điều luật phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, năm 1966. Khoản 2, Điều 19, Công ước quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Khoản 3, Điều 19, Công ước ghi: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy, quyền tự do dân chủ không phải “vô biên giới” và Công ước đã giới hạn, phải tôn trọng quyền của người khác và phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội. Tính pháp lý, khoa học của điều luật 258 rõ ràng tuân thủ tối đa nguyên tắc này của Công ước quốc tế.

Quan điểm, chính kiến như thế nào là quyền cá nhân, nhưng thiết nghĩ trong tranh luận cần xuất phát từ động cơ lành mạnh để bám các lý lẽ, luận cứ khoa học. Nếu vì động cơ xấu, nhìn ngược vấn đề thì ta dễ bị lóa, lúc đó mọi sự lập luận chỉ là ngụy biện mà thôi

ThS Đăng Minh
.
.
.