Nhiều vướng mắc trong quy hoạch, quản lý đất đai ở Hà Nội
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ phân quyền cho Hà Nội được tiếp tục phê duyệt quy hoạch phân lũ, trên cơ sở đó mới triển khai được quy hoạch 2 bên sông Hồng.
Đề xuất cơ chế đặc thù như TP Hồ Chí Minh
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nếu triển khai quy hoạch 2 bên sông Hồng, sẽ khai thác được hàng nghìn hecta đất 2 bên sông, đồng thời không phải di chuyển khoảng 1 triệu dân đang sinh sống tại đây. Do vậy, thông qua hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp giúp Hà Nội giải quyết căn cơ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...
Riêng về vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, trong đó có khu vực hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 2017, TP đã hoàn thành quy hoạch phân lũ sông Hồng và sông Thái Bình, nhưng sau khi có Luật Quy hoạch thì nhiệm vụ này lại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị, Chính phủ phân quyền cho Hà Nội được tiếp tục phê duyệt quy hoạch phân lũ, trên cơ sở đó mới triển khai được quy hoạch 2 bên sông Hồng. Theo ông Nguyễn Đức Chung, có thể tạo điều kiện để cải tạo hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khu vực 2 bên bờ sông; xây dựng tuyến đê kết hợp đường giao thông cho TP...
Về lĩnh vực quản lý đất đai, Hà Nội đã đạt được những tiến bộ quan trọng, nhất là khai thác nguồn lực từ đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. TP đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối. Hằng năm, UBND thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đem lại từ 15% đến 20% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tính đến ngày 20-4-2020, 100% tổng số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận đã được đăng ký kê khai; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.355.510 thửa); việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%.
Nếu TP Hà Nội triển khai quy hoạch hai bên sông Hồng sẽ khai thác được hàng nghìn hecta đất ven sông. |
Mặc dù vậy, cả hai lĩnh vực nêu trên đều còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết. Trong đó, nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố. Do đó, Hà Nội đã nêu 4 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ TN&MT về lĩnh vực bảo vệ môi trường và 8 kiến nghị, đề xuất về quản lý đất đai. Thành phố kiến nghị có cơ chế đặc thù như bổ sung hình thức đầu tư BT, xác định lại đơn giá để thu hút nhiều nguồn lực xã hội trong xử lý ô nhiễm môi trường; cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, quy trình đặc thù như TP Hồ Chí Minh để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tháo gỡ về cơ chế để giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh...
Bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận định, Hà Nội là một đô thị lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh, chỉ cần nhìn vào Hà Nội là biết được chính sách Nhà nước đang gặp vấn đề vướng mắc gì.Về cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng như TP Hồ Chí Minh đang thí điểm, Bộ TN&MT sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, kiến nghị cho áp dụng chung trên cả nước.
Trước mắt, trong tuần tới, Bộ sẽ trình Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện như TP Hồ Chí Minh... "Chúng tôi sẽ coi việc giải quyết những vướng mắc của Hà Nội về tài nguyên, môi trường là nhiệm vụ chính, là giải pháp nâng cao chất lượng công việc của Bộ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT sẽ ban hành thông báo chung, trong đó xác định rõ trách nhiệm của TP và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, trước hết là Bộ TN&MT, tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở TN&MT đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.
Về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính, tinh thần là làm đến đâu cập nhật đến đó. Đối với các dự án có vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, UBND TP phải rà soát lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.