Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng

Thứ Bảy, 24/08/2013, 09:09
Trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” (SNTNNNB) của ông Lê Hiếu Đằng (LHĐ) được ông Huệ Chi biên tập và post lên mạng có nhiều điều cần phải làm rõ.

Trong phần đặt vấn đề, ông LHĐ gọi hành động sám hối của mình là “Tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới”. Mới đọc mấy câu trên, người đọc ngỡ rằng sắp có vụ thanh toán nhau của các băng nhóm tội phạm!

Bài viết của LHĐ rất “ tâm huyết”, có điều ông kể lể nhiều chuyện về bản thân khiến người ta sốt ruột. Với độ dài trên gần 13 trang, nếu đọc qua cũng mất gần nửa giờ! Ông LHĐ kể lể quá nhiều về thành tích, nhất là về cái tính lãng mạn, hào hoa của ông. Chẳng hạn ông LHĐ kể ông thích bài hát “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên và  ông biết có cô gái cũng rất thích bài hát đó”...

Tựu chung lại bài có mấy ý sau:

Một là, “Vì sao tôi đi kháng chiến, vào ĐCS Việt Nam?”

 Nội dụng đoạn này chủ yếu LHĐ kể về “lòng yêu nước của mình” nhưng thực chất là sám hối, phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, đồng thời ca ngợi, chế độ cũ. LHĐ kể về chuyện khi ông đang bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế, gia đình làm đơn xin cho ông ra tù để về thi “tú tài”. Rốt cuộc ông đã được ra tù. Ông hỏi: “Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra khỏi nhà tù để đi thi như chúng tôi hay không?”. Có lẽ vì đang “nằm bịnh”, nên Mr LHĐ đã lẩm cẩm nêu câu hỏi này. Thật đáng tiếc một người Cộng sản trên 40 năm tuổi Đảng lại chỉ biết nhìn nhận một chế độ qua lăng kính cá nhân và qua một sự việc mang tính ngẫu nhiên.

Lẽ ra ông phải nhớ đến ít nhất một vài vụ việc, chẳng hạn như bọn Mỹ và tay sai đã dùng thuốc độc giết chết cả trăm tù nhân tại Nhà lao Phú Lợi; bọn chúng tra tấn dã man - đóng đinh vào đầu tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo, đó là chưa kể đến chúng đã rải hàng triệu lít chất độc da cam trên những đồng quê yên ả khiến cho đến nay vẫn còn hàng triệu nạn nhân thuộc nhiều thế hệ. Quên tội ác của kẻ thù, khái quát bản chất chế độ cũ bằng một sự kiện là một biểu hiện sa ngã về đạo đức, là có tội với đồng bào và chiến sỹ.

Thứ hai, “Vấn đề đa nguyên, đa đảng”. Phần này đã quá quen thuộc vì đã có quá nhiều bài viết trên mạng. Vấn đề là ở chỗ, việc lựa chọn chế độ chính trị nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia dân tộc.

Về lý luận, căn cứ khoa học của ông  LHĐ là: “đã đa nguyên kinh tế thì tất là phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Như có người đã phê phán - đó là một kiểu logic hình thức thô thiển. Xin hỏi ông LHĐ: Vì sao dưới chế độ kinh tế “đa nguyên” thời Mỹ và tay sai ở miền Nam, người ta đã ra Đạo luật 10/59, “bắn bỏ tất cả bọn Cộng sản”, không cần xét xử? 

Vấn đề nghiêm trọng hơn là ở chỗ ông LHĐ thách thức pháp luật và kêu gọi xóa bỏ chế độ hiện hữu, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ta viết: “Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội”… “Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng, chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này?”. “Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa… Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay”. Nhân đây xin nhắc LHĐ pháp luật Việt Nam quy định rằng mọi tổ chức chính trị xã hội đều phải đăng ký, xin phép Nhà nước, kể cả các tôn giáo.

Thứ ba, “Vấn đề Độc lập dân chủ, tự do và hạnh phúc”.

Cũng như nhiều người nhằm chia rẽ dân tộc Việt Nam, đả kích vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông LHĐ nhắc lại luận điệu “Việt Nam đã thống nhất mặc dầu còn nhiều điều chưa hòa hợp”. Trong bài viết ngắn này xin không có bình luận. Việc ông LHĐ bày tỏ bức xúc về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, điều này ít nhiều có thể chia sẻ. Song đáng tiếc đã từng là người lãnh đạo, lẽ ra LHĐ phải thấy được những chuyện phức tạp trong vấn đề Biển Đông, phải hiểu được Việt Nam cần có một chiến lược thông minh, kết hợp sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm” mới có thể bảo vệ được lãnh hải của mình. Chẳng lẽ Việt Nam mua tàu ngầm Kilo, máy bay SU 30, tên lửa S.300 là trò chơi ảo trên mạng! Xin hỏi: Vì sao LHĐ lại không chịu hiểu điều này? Trái lại ông ta phủ nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân  đang từng giờ từng phút canh giữ bầu trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc; hơn nữa ông LHĐ còn kích động tâm lý kỳ thị, đối đầu với Trung Quốc. Về khách quan việc làm của ông LHĐ chỉ có lợi cho các thế lực thù địch hiếu chiến mà thôi.

Trong bài viết này, LHĐ còn nói: Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hội nghị Shangri-La (chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam) là ý kiến cá nhân của Thủ tướng. LHĐ nói: “Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ Chính trị cả”. Xin hỏi ông LHĐ vì sao ông hồ đồ đến vậy? Phải chăng đây là cách suy nghĩ của một người nằm viện hay là của kẻ “ếch ngồi đáy giếng?”. Ai cũng biết ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng thời là quan điểm của Đảng ta, của Nhà nước ta. Có phải ông đang cố tình gây chia rẽ trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam?

Thứ tư, “Vấn đề dân chủ, tự do và hạnh phúc”, trong đoạn này, LHĐ kể về “bản lĩnh” của bản thân và những sai lầm khuyết điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều giai đoạn đã qua. Đồng thời chép lại những “khuôn mẫu” của thể chế “đa nguyên”, “tam quyền phân lập” đầy rẫy trên mạng ai cũng biết.

LHĐ nghĩ rằng, mình đã nắm được “mệnh trời” - quy luật, nói theo ngôn ngữ triết học, ông này tự tin viết: “Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu)...”. Đáng tiếc LHĐ lại nhận thức về tự do của thời kỳ tiền sử - xin lỗi có thể nhận định này hơi quá đáng! Đặc trưng của con người, của loài người không chỉ ở, không chủ yếu ở cái gọi là “tự do” như LHĐ nói mà chính là ở ý thức về mối quan hệ cá nhân với tổ chức xã hội, với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng của mình.

Tóm lại: Tự mãn về thành tích trong quá khứ; phủ nhận, bỏ qua thành quả cách mạng, sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, ca ngợi chế độ cũ; sám hối về chính trị; chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng cùng với những thiếu hụt về kiến thức lý luận, LHĐ đã tự phơi bày là người sa ngã về đạo đức - chính trị và những thiếu hụt về trí tuệ của mình

L.N.
.
.
.