Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc phòng và an ninh phải thể hiện bằng Luật

Thứ Hai, 04/02/2013, 09:53
Để hiểu sâu hơn về chức năng, nhiệm vụ của HĐQP & AN, qua đó góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về vấn đề này.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm cho biết:

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều chủ thể khác nhau như: Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Trong đó, nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh phải được tuân thủ và những quyết sách quan trọng về quốc phòng, an ninh đều thực hiện trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, cơ quan, tổ chức căn cứ vào tầm quan trọng của vụ việc đều phải báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi quyết định.                  

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có chức năng lập pháp, xây dựng các luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Chính phủ được Hiến pháp phân công thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Vậy thử hỏi phân khu hoạt động của HĐQP & AN ở đâu (?). 

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQP & AN tuy đã đề cập trong Hiến pháp và một số văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu, nhưng đang dừng lại ở quy định chung. Chẳng hạn, Hiến pháp và các đạo luật thường lặp lại: “Trong tình trạng chiến tranh, Quốc hội có thể giao cho HĐQP & AN những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt”. Nhưng chưa ai có thể định hình nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt ấy là gì, có trùng với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan khác hay không ? Nghiên cứu về quy chế hoạt động của Hội đồng có thể thấy, HĐQP & AN mới chỉ dừng lại ở phép cộng thành viên là Hội đồng gồm những ai, nhóm họp khi nào… chứ chưa có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong Hội đồng và qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, HĐQP & AN chưa ban hành một quy định nào mang tính pháp lý. Điều đáng lưu ý là cũng chưa ai khẳng định là Hội đồng ban hành loại văn bản gì (Sắc lệnh, Lệnh, Quyết nghị, Quyết định…) khi thực hiện quyền hạn của Hội đồng. 

Từ những phân tích, đánh giá  trên, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội đề nghị bổ sung vào Hiến pháp một số nội dung sau:

Thứ nhất, khẳng định việc thành lập HĐQP & AN và giao cho Hội đồng những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt khi có chiến tranh là cần thiết. Vì trong hoàn cảnh chiến tranh, khi các cơ quan Nhà nước không có điều kiện hoạt động bình thường thì cần  phải có một thiết chế đặc biệt tập trung quyền lực Nhà nước, có thẩm quyền quyết định những quyết sách quan trọng, kịp thời.

Thứ hai, ở chế định HĐQP & AN, người đứng đầu Hội đồng luôn gắn với Chủ tịch nước. Chủ tịch nước vừa có quyền đề nghị danh sách thành viên Hội đồng để Quốc hội phê chuẩn, vừa là người điều hành hoạt động của Hội đồng. Cho nên chế định HĐQP & AN được đặt trong chương quy định về Chủ tịch nước như Hiến pháp năm 1992 là hợp lý nhất.

Thứ ba, HĐQP & AN là biểu tượng tập trung quyền lực khi đất nước có chiến tranh. Với thể chế chính trị, phương thức tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước ta hiện nay thì việc đặt ra nhiệm vụ, quyền hạn thường xuyên cho HĐQP & AN cũng có nghĩa là bớt đi nhiệm vụ, quyền hạn của một hoặc một số cơ quan Nhà nước. Điều này là không cần thiết. Vì vậy, đề nghị quy định: “HĐQP & AN hoạt động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.

Thứ tư, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQP & AN được quy định trong Hiến pháp năm 1992 chỉ mang tính nguyên tắc, chứ chưa xác định được nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Vậy nên Hiến pháp lần này cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQP & AN. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan và khái quát hóa các quy định của Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQP & AN để xác định vị trí Hội đồng QP và AN trong Hiến pháp, từ đó Quốc hội sẽ thể hiện bằng một luật chuyên biệt. Có như vậy, khi xẩy ra sự biến, Hội đồng mới không dẫm chân nhau, mới hoạt động được

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.