Nhiệm vụ cao cả, sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng
Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925), nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày báo chí cách mạng Việt Nam hằng năm đã trở thành ngày hội của những người làm báo trong cả nước. Không chỉ vì đội ngũ những người làm báo ngày càng đông đảo ( tính đến hết 2014 đã có hơn 17.000 người được cấp thẻ báo chí, 20.000 người được cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo, chưa kể hàng chục ngàn người khác đã về nghỉ hưu hoặc chưa đủ tiêu chuẩn cấp thẻ).
Cũng không chỉ số lượng, chất lượng báo chí đã được nâng lên rõ rệt (cả nước hiện có trên 800 cơ quan báo chí, trên 1.000 ấn phẩm in và hàng ngàn chương trình phát thanh, truyền hình, các trang mục trên trang tin, báo điện tử...). Ngày báo chí cách mạng Việt Nam còn là ngày hội của hàng triệu người dân, là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tri ân, góp ý với báo chí vì ngày nay; cuộc sống của mỗi người được vây bọc bởi tri thức, văn hóa, thông tin do báo chí mang lại, cuộc sống cũng chính là quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin.
Báo chí đã có đóng góp vô cùng to lớn vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, ủng hộ cái tốt, chống lại cái xấu. Bằng sự công khai, minh bạch, với tiêu chí đúng đắn, khoa học và cách mạng, báo chí đã góp phần xóa đi những khoảng tối, làm chùn tay những kẻ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, sâu mọt xã hội.
Báo chí làm gần lại tâm tư, nguyện vọng của dân với Đảng và Nhà nước. Báo chí chống lại những tiếng nói thù nghịch, những tâm trạng bất mãn, làm xói mòn lòng tin, bảo vệ chế độ. Báo chí nhân rộng những điển hình tiên tiến để xã hội ta ngày càng trong sáng, tươi đẹp hơn. Cũng không thể quên vai trò của báo chí trong nâng cao kiến thức, hưởng thụ văn hóa, thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng.
Là những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân (CAND), trong quá trình thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, chúng ta đều thấm thía báo chí nói chung, báo chí trong lực lượng CAND nói riêng luôn đồng hành, là người bạn tốt trong khó khăn cũng như thuận lợi của nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng, báo chí CAND đã phát huy mạnh mẽ tiếng nói của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an; đồng thời là tiếng nói đanh thép đập tan, vô hiệu hóa những luận điệu thù địch, mà vụ tập kích vào cơ sở in ấn của bọn phản động tại phố Bùi Thị Xuân, tịch thu hàng vạn truyền đơn chúng chưa kịp tung ra là một thí dụ điển hình.
Ngày nay, lực lượng Công an đã có hệ thống báo chí hoàn chỉnh với tờ CAND ra hằng ngày, cơ quan của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, có nhiều phụ trương uy tín, lượng phát hành lớn, báo điện tử CAND có lượng người truy cập lớn; Đài truyền hình ANTV, các buổi phát thanh và truyền hình trên các đài quốc gia, Tạp chí CAND, Nhà xuất bản CAND và hệ thống báo chí của lực lượng CAND ở các địa phương tiêu biểu là thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Tổng cục Chính trị CAND, Báo CAND cùng các cơ quan báo chí, xuất bản trong toàn lực lượng luôn giữ vững định hướng chính trị, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, không ngừng đổi mới vươn lên, phát triển bạn đọc, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an và nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, báo chí nói chung cũng còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, bất cập như tình trạng lơi là tôn chỉ, mục đích, cạnh tranh thiếu lành mạnh,… Nguyên nhân của tình trạng đó là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, công tác lãnh đạo, quản lý còn có nhiều yếu kém, do phải hoạt động trong cơ chế thị trường, không theo kịp với đà phát triển của khoa học - công nghệ thông tin, do sự hạn chế về trình độ chính trị, văn hóa của nhà báo...
Để phục vụ tốt hơn nữa, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm quản lý tốt và tạo điều kiện cho báo chí ngày càng phát triển. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã thông qua đề án qui hoạch báo chí đến năm 2025, đang trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí và nhiều chủ trương, chính sách khác.
Tin tưởng rằng, với sự góp sức của toàn xã hội, kịp thời biểu dương thành tích, thẳng thắn phê bình khi sai sót như với những người bạn, báo chí nói chung và báo chí CAND nói riêng sẽ ngày càng trưởng thành, xứng đáng với nhiệm vụ cao cả, sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, phục vụ tốt hơn nữa công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu thông tin của nhân dân.