Nhất trí ban hành Nghị định về công tác cứu nạn, cứu hộ

Thứ Ba, 21/03/2017, 16:11
Chiều nay, 21-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 8, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Thay mặt ban soạn thảo trình bày tờ trình, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ năm 2001 đến hết năm 2015 cả nước xảy ra 444.311 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết 177.587 người, bị thương 343.340 người. 

Các vụ việc nêu trên chủ yếu là các sự cố, tai nạn diễn ra trên đất liền có tính đột xuất và chưa tới mức “thảm họa”, thiên tai lớn, thuộc trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, chưa cần thiết huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lớn theo sự điều phối của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Thứ trưởng Bùi Văn Thành

Để tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cứu nạn, cứu hộ, ngày 15-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC; trong đó, quy định về nguyên tắc, các tình huống cơ bản trong cứu nạn, cứu hộ; lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, Quyết định số 44 chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ nên dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ, không phát huy được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý khi có sự cố, tai nạn xảy ra, nhất là vấn đề thống nhất chỉ huy, điều hành trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

Hơn nữa, việc chưa quy định thẩm quyền cho lực lượng PCCC được huy động lực lượng, phương tiện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia cứu nạn, cứu hộ và trong tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, chướng ngại vật và di chuyển tài sản khi cứu nạn, cứu hộ dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cứu nạn, cứu hộ tại các sự cố, tai nạn xảy ra trong thời gian vừa qua. 

“Từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là cần thiết” – Thứ trưởng Bùi Văn Thành khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Góp ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam lưu ý, từ đầu tháng 3 đến nay cả nước xảy ra 93 vụ chìm tàu, cháy tàu trên biển và chúng ta đã làm rất tốt, rồi vụ sập hầm Đạ Dâng, sập mỏ đá Lèn Cờ, sập cầu Cần Thơ trước đó, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên quy định cứu hộ cứu nạn ở đường bộ và trong cháy nổ ở các khu chung cư, khu công nghiệp… thì cần phải được chỉnh sửa, bổ sung để tránh chồng chéo với Nghị định về phòng chống thiên tai mà Thủ tướng vừa ký.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lại đề nghị cần làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác PCCC. 

“Thử tưởng tượng trong lĩnh vực này có 3 cấp, trên cùng là Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, ở giữa là cơ quan của PCCC, dưới là của dân phòng và lực lượng tại chỗ. Cần phân công công tác rõ ràng cho mỗi cấp, tuy nhiên có những lúc công việc lại quyện lấy nhau. Chẳng hạn, khi có sự cố bùng nổ cái gì đó thì đâu chỉ PCCC mà cả hệ thống chính trị, các cơ quan khác nữa phải vào cuộc, do đó cần có sự phối hợp giữa các lực lượng” – đại biểu nói.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm điều 3, các khoản 3,4,5, cứu hộ thông thường (ký hợp đồng rồi mới cứu) với cứu hộ khẩn cấp (làm ngay, không cần ký hợp đồng). 

Khẳng định tính cần thiết của việc ban hành Nghị định này vì Luật CAND quy định lực lượng Công an thực hiện việc cứu nạn cứu hộ nhưng từ ngày Luật ban hành chưa có Nghị định nào hướng dẫn thực hiện, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh để không bị chồng chéo, trùng lắp với công việc của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bùi Văn Thành thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn, tiếp thu tất cả các ý kiến của thành viên UBTVQH và các đại biểu để chỉnh sửa, hoàn thiện Nghị định và làm cho công tác cứu nạn cứu hộ thuận lợi nhất, xử lý tất cả vấn đề mà đại biểu băn khoăn.

“Lực lượng PCCC những năm qua gặp khó khăn nhưng đã triển khai hệ thống mạng lưới từ Trung ương đến cơ sở, được trang bị theo hướng chính quy, tinh nhuệ, thường trực sẵn sàng chiến đấu. Các sự cố xảy ra diễn biến rất phức tạp, liên tục các vụ chết đuối, nhảy cầu tự tử, kẹt thang máy… được chúng tôi xử lý hàng ngày” – Thứ trưởng cho biết, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với việc có sự phối kết hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ mà không tăng biên chế, không tăng tổ chức của lực lượng PCCC.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, UBTVQH cơ bản thống nhất đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ Báo cáo thẩm tra và tất cả ý kiến của UBTVQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định. 

Sau phiên họp yêu cầu Uỷ ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan hữu quan chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của thành viên UBTVQH trước khi gửi Chính phủ.

Phiên họp thứ 8 UBTVQH cũng đã bế mạc chiều cùng ngày.

Quỳnh Vinh
.
.
.