Nhân quyền Việt Nam – những giá trị không thể bóp méo

Chủ Nhật, 29/12/2013, 10:24
Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam luôn được chứng minh với đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và thể hiện sinh động trong đời sống xã hội. Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 cho thấy sự tín nhiệm, ghi nhận của thế giới về những thành tựu, tiến bộ trong việc bảo đảm quyền con người cũng như khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nước ta trên trường quốc tế. Trong loạt bài này, chúng tôi làm rõ những thành tựu và giá trị cơ bản về nhân quyền ở Việt Nam; nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch cũng như đưa ra những nhận định, kiến nghị trong xu thế phát triển mới.

Bài 1: Khát vọng dân tộc và những giá trị bền vững

Chính sách nhất quán về quyền con người

Nhân quyền và việc thực hiện nhân quyền gắn với tiến trình phát triển của nhân loại, ở từng hình thái kinh tế - xã hội, các giai đoạn đấu tranh giai cấp, giải phóng con người, đưa quyền con người trở thành giá trị chung. Đó là các quyền cá nhân trong lĩnh vực kinh tế - xã hội; các quyền tập thể như quyền dân tộc cơ bản, tự quyết, bình đẳng giữa các dân tộc và quốc gia; quyền phát triển, quyền thông tin, quyền được sống trong hoà bình, trong môi trường lành mạnh...

Nhân quyền ở đâu cũng là giá trị con người hướng tới, với Việt Nam càng có ý nghĩa sâu xa khi đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, từ thân phận nô lệ, quyền con người bị chà đạp, áp bức đã vùng lên tranh đấu, kiên cường, bền bỉ để giành lại những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người, đó là quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Vì lẽ đó, giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân đã là khát vọng thiêng liêng nhất của người dân và trở thành mục tiêu nhất quán, là nền tảng hoạch định mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước ta. Chính sách này cũng có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn.

Đường lối của Đảng về quyền con người được xây dựng từ một nền tảng lý luận vững chắc, trên cơ sở tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, áp dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau. Ngay khi ra đời, Đảng đã vạch ra đường lối cơ bản của cách mạng, trong đó xác định nhiệm vụ trọng yếu là đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động, giải phóng xã hội, để người cày có ruộng, người dân được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền. Tại Đại hội VI của Đảng năm 1986, đại hội khởi đầu giai đoạn đổi mới, Đảng ta xác định nhiệm vụ “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định quan điểm của Đảng ta về quyền con người được thể hiện một cách tập trung và toàn diện hơn. Dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì quyền con người mới có điều kiện đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất. Đồng thời chỉ rõ, quyền con người của cá nhân gắn với việc bảo đảm lợi ích của tập thể, của cộng đồng xã hội; quyền dân chủ tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia, quyền đó luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ.

Thành tựu bền vững

Thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta đã chỉ rõ việc bảo đảm quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và phát triển. Bên cạnh đó, đi vào tái thiết và phát triển đất nước sau hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá, Đảng và Nhà nước coi phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. 27 năm đổi mới, phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa nền tảng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.

Mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra là GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân đến năm 2015 đạt 2.000 USD. Khả năng mục tiêu này có thể đạt sớm hơn khi năm 2013 đang tiến tới mốc 1.900 USD. Từ năm 2010, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Bước chuyển vị thế này là rất quan trọng bởi nếu nhìn lại thời đầu đổi mới, khi vào năm 1988, Việt Nam mới đạt 86 USD, là một trong vài chục nước có thu nhập bình quân đầu người nằm ở đáy của thế giới.

Chúng ta cũng ghi dấu ấn nổi bật trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Ước tính đến nay, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 7,6%. Trong báo cáo “Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới” của Ngân hàng Thế giới (WB), công bố năm 2013 cho biết: WB đã đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh trong 20 năm qua (1990-2010) với khoảng 30 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số liên tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hạ tầng ở các vùng dân tộc thiểu số có bước phát triển rõ rệt.

Những thông số ấn tượng

Đời sống tâm linh, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là những nhu cầu chính đáng của người dân, được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Ở nước ta hiện có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hằng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động tham gia nhiều hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo... đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi.

Xa lộ thông tin ở nước ta đang phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng về loại hình, phong phú về nội dung đã trở thành diễn đàn quan trọng để nhân dân phản ánh tiếng nói của mình, tham gia phát hiện những mặt tiêu cực của xã hội và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; một hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh. Hệ thống internet phát triển vượt bậc, đứng top đầu khu vực. Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm tới các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, và người có HIV/AIDS. Với mỗi nhóm đối tượng, Nhà nước đều có các cơ chế, chính sách và ưu tiên cụ thể nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho từng nhóm phát triển, hòa nhập cộng đồng và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Chúng ta cũng tham gia ngày càng hiệu quả và tích cực tại các diễn đàn đa phương, trong đó có các cơ chế đa phương về nhân quyền như ủy ban 3 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, việc Việt Nam được đa số các thành viên bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 cho thấy sự tín nhiệm, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Việt Nam trong đảm bảo nhân quyền cũng như ý nghĩa chính trị, ngoại giao trên trường quốc tế.

Báo chí, mạng xã hội - biểu hiện sinh động về bảo đảm quyền con người

Đến nay, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; một hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 là 46 báo điện tử, 287 trang thông tin điện tử). Với 30 triệu người dùng Internet, Việt Nam hiện đang là quốc gia có lượng người dùng Internet đông nhất tại khu vực Đông Nam Á. Riêng với blog, trên cả nước hiện có gần 3 triệu người có blog cá nhân.

Đăng Trường
.
.
.