Nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng

Thứ Hai, 17/04/2017, 07:55
Đây là nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4-2017 vừa được Chính phủ ban hành. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu và dự án Luật Quy hoạch.


Cụ thể, về Dự án Luật cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và tính cấp bách của việc cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng, mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu.

Chính phủ thống nhất từ nay nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Trường hợp các TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho TCTD có năng lực tài chính tốt.

Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động. Các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn, tài sản... của TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về hậu quả do mình gây ra.

Các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua bán nợ được tham gia bình đẳng vào quá trình xử lý nợ xấu.

Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.

Chính phủ cũng cho rằng việc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm về “kết quả” của việc thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình. Trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về nguồn lực, cần quy định đầy đủ về các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sử dụng nguồn lực nhà nước, kể cả trường hợp cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường thì làm rõ các trường hợp phải sử dụng và phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận...

Chính phủ giao NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và các luật có liên quan; giao Thống đốc NHNN Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký, trình Quốc hội.

Trân Trân
.
.
.